Ngân hàng

Sacombank gồng mình trước áp lực nợ xấu

(VNF) – Sacombank đang phải gồng mình trước áp lực nợ xấu sau khi sáp nhập Southern Bank. Lợi nhuận quý III/2016 tiếp tục giảm mạnh 77% so với cùng kỳ 2015, nhưng đáng ngại hơn rất nhiều vẫn là bài toán nợ xấu.

Sacombank gồng mình trước áp lực nợ xấu

Nợ xấu đang là bài toán cực kỳ nan giải đối với Sacombank

Sacombank khốn đốn vì lợi nhuận sụt giảm

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa đánh dấu thêm một sự kiện buồn khi cổ phiếu STB của ngân hàng này có phiên giảm điểm thứ 11 liên tiếp, kéo mức giá của STB từ 9.320 đồng/cổ phiếu thời điểm kết thúc ngày 20/10/2016 xuống còn 8.240 đồng/cổ phiếu thời điểm kết thúc ngày 03/11/2016.

Đây là hệ quả từ việc lợi nhuận của ngân hàng này tiếp tục tụt dốc trong quý III/2016, đưa kỳ vọng của nhà đầu tư xuống mức thấp hơn nữa. Tính riêng trong quý vừa qua, lợi nhuận trước thuế của Sacombank chỉ đạt mức 164 tỷ đồng, giảm 77% so với quý III/2015.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụt giảm này của Sacombank đến từ hoạt động kinh doanh chính là tín dụng và đầu tư, trong đó chủ yếu là sự sụt giảm hiệu quả trong hoạt động tín dụng.

Sacombank trước áp lực nợ xấu

Lợi nhuận của Sacombank liên tục giảm sút trong nhiều quý trở lại đây

Cụ thể, hiện Sacombank đang phải chấp nhận mức lãi ít hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước trong hoạt động kinh doanh tín dụng. Bằng chứng là tỷ lệ chi phí lãi (chủ yếu bao gồm chi phí trả lãi tiền gửi) trên thu nhập lãi (chủ yếu bao gồm thu nhập lãi do cho vay) của Sacombank tăng rất mạnh trong quý III/2016 nói riêng và trong 9 tháng đầu năm 2016 nói chung.

Xét trong 9 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ chi phí lãi trên thu nhập lãi của Sacombank ở mức 70,9%, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ là 51,5%. Còn xét trong quý III/2016, tỷ lệ chi phí lãi trên thu nhập lãi của Sacombank ở mức 69,4%, con số này ở quý III/2015 là 52%.

Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác như dịch vụ, ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, mua bán chứng khoán đầu tư hay các hoạt động khác của ngân hàng này thậm chí còn hoạt động tốt hơn cùng kỳ năm ngoái.

Tại sao mức lãi từ hoạt động tín dụng của Sacombank lại giảm đột ngột?

Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi Sacombank nhận sáp nhập Southern Bank hồi đầu tháng 10/2015, đồng thời cũng sáp nhập luôn lượng nợ xấu khổng lồ từ ngân hàng này.

Theo Báo cáo kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu thực tế của Southern Bank tính đến hết tháng 11/2013 lên đến 55,31%.

Ngay sau khi sáp nhập Southern Bank, Sacombank đã phải ghi nhận khoản lỗ trước thuế khổng lồ lên đến 671 tỷ đồng trong quý IV/2015, trong khi 3 quý trước đó, Sacombank lãi trước thuế tới 2.140 tỷ đồng. Khoản lỗ này phát sinh chủ yếu là do ngân hàng này phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 1.128 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần quý IV/2015 chỉ là 457 tỷ đồng.

Nhưng khoan hãy nói đến vấn đề trích lập dự phòng. Khi nhận sáp nhập Southern Bank, ngoài việc sáp nhập theo khoản nợ xấu khổng lồ, Sacombank còn tiếp nhận luôn tiền gửi khách hàng của Southern Bank. Do đó, Sacombank có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền gửi cho những khách hàng này thay cho Southern Bank khi đến hạn trả. Điều này khiến chi phí trả lãi tiền gửi của Sacombank tăng vọt.

Chi phí lãi tiền gửi của Sacombank tăng vọt

Sacombank phải gánh toàn bộ trách nhiệm chi trả tiền gửi từ Southern Bank, trong khi hơn một nửa khoản cho vay của Southern Bank lại là nợ xấu

Tính trong 9 tháng đầu năm 2016, chi phí trả lãi tiền gửi của Sacombank đạt mức 9.920 tỷ đồng, tăng tới 70% so với cùng kỳ năm 2015.

Lãi tiền gửi thì vẫn phải trả hộ toàn bộ, trong khi lãi cho vay chẳng thu về tương xứng, bởi hơn một nửa dư nợ tín dụng của Southern Bank là nợ xấu. Tính trong 9 tháng đầu năm 2016, thu nhập lãi cho vay khách hàng của Sacombank đạt mức 12.000 tỷ đồng, chỉ tăng 23% so với cùng kỳ 2015, nhỏ hơn rất nhiều mức tăng 70% của chi phí trả lãi tiền gửi.

Đây chính là nguyên nhân chính khiến mức lãi từ hoạt động tín dụng của Sacombank giảm đột ngột.

Lối thoát nào cho Sacombank?

Nợ xấu từ Southern Bank không chỉ làm giảm hiệu quả kinh doanh tín dụng, qua đó làm giảm lợi nhuận của Sacombank, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của Sacombank thông qua việc ngân hàng này phải tăng trích lập dự phòng. Dễ thấy nhất là quý IV/2015, ngân hàng này đã phải chịu lỗ nặng ngay sau khi sáp nhập Southern Bank cũng bởi trích lập dự phòng tăng đột biến.

9 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của Sacombank ở mức 55%, cao hơn nhiều con số 32% cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tính riêng trong quý III/2016, Sacombank được hoàn nhập dự phòng rủi ro 54 tỷ đồng, nhưng tín hiệu tích cực nho nhỏ đó không không thấm vào đâu so với nỗi lo lắng về nợ xấu thực tế của ngân hàng này.

Tính đến hết ngày 30/09/2016, nợ xấu trên sổ sách của Sacombank đang ở mức 4.620 tỷ đồng, chiếm 2,37% tổng dư nợ tín dụng. Nếu so với mặt bằng chung ngành ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đã được liệt kê vào mức cao. Nhưng nợ xấu cho dừng ở đó.

Theo ước tính của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong một báo cáo cập nhật về tình hình hoạt động của Sacombank, nợ xấu trên sổ sách của Sacombank chỉ chiếm khoảng 39% tổng nợ xấu thực tế trên sổ sách đáng ra phải ghi nhận sau khi sáp nhập Southern Bank tại thời điểm kết thúc quý II/2016, tương đương số nợ xấu chưa báo cáo là khoảng 8.810 tỷ đồng.

Nhưng đó vẫn chưa phản ánh hết nợ xấu thực tế của Sacombank.

Lối thoát nào cho Sacombank?

Lối thoát nào cho Sacombank trước áp lực nợ xấu?

Ngay sau khi nhận sáp nhập Southern Bank, các khoản phải thu của Sacombank tăng vọt từ mức 4.864 tỷ đồng lên mức 17.679 tỷ đồng, trong khi các khoản lãi, phí phải thu (hay còn gọi là lãi dự thu) của Sacombank tăng vọt từ mức 5.149 tỷ đồng lên mức 25.230 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/09/2016, các khoản phải thu của Sacombank ở mức 16.916 tỷ đồng, trong khi lãi dự thu ở mức 26.073 tỷ đồng.

Các khoản phải thu và lãi dự thu từ lâu đã được giới chuyên gia đánh giá là nơi lý tưởng nhất để "giấu" nợ xấu.

VCSC tính toán ra rằng, tại thời điểm quý II/2016, khoảng 45% các khoản phải thu của Sacombank là các khoản phải thu được ghi nhận một cách đáng ngờ, tương đương khoảng 7.816 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi phải thu đáng nghi ngờ chiếm tới 78% lãi phải thu trên sổ sách, tương đương tới 20.193 tỷ đồng.

Như vậy, tổng các khoản phải thu và lãi phải thu nghi ngờ của Sacombank theo ước tính của VCSC lên đến khoảng 28.000 tỷ đồng. Nếu 8.810 tỷ đồng nợ xấu chưa báo cáo được Sacombank "giấu" vào đây thì vẫn còn tới gần 19.200 tỷ đồng các khoản phải thu và lãi dự thu nghi ngờ, và không ít, thậm chí là phần nhiều trong số đó có thể là nợ xấu.

Đây là bài toán rất khó cho Sacombank. Bởi nếu thừa nhận thêm nợ xấu, Sacombank sẽ phải tăng trích lập dự phòng, lợi nhuận theo đó cũng bị bào mòn đi, uy tín cũng bị ảnh hưởng. Còn nếu giữ nguyên nợ xấu thì các khoản nợ xấu tiềm tàng sẽ giống như "cục máu đông", Sacombank khó lòng xử lý được trong khi vẫn phải gánh hậu quả từ nó, trong đó có vấn đề dòng tiền và thanh khoản ngân hàng.

Tin mới lên