Sàn chứng khoán ‘rực lửa’: Cẩn trọng khi ‘tin ra là bán’

Thanh Long - 22/10/2024 16:08 (GMT+7)

(VNF) - Trong giai đoạn các doanh nghiệp niêm yết “nước rút” công bố báo cáo tài chính, thị trường chứng khoán lại suy yếu rõ rệt. Đây là tín hiệu khá tiêu cực.

Những tưởng mùa báo cáo tài chính quý III/2024 sẽ tạo ra động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán nhưng kết quả thực tế đang ngược lại. Trong giai đoạn các doanh nghiệp niêm yết “nước rút” công bố báo cáo tài chính, thị trường chứng khoán lại suy yếu rõ rệt. Phiên 22/10, chỉ số VN-Index giảm gần 10 điểm, tương đương 0,77%, qua đó mất mốc quan trọng 1.270 điểm.

Sắc đỏ ngập tràn khắp các nhóm ngành, trong đó bi đát nhất là cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp: BCM giảm 2,26%, KBC giảm 3,67%, IDC giảm 3,06%. Một cổ phiếu “lai” giữa bất động sản khu công nghiệp và cao su là GVR thậm chí còn giảm tới 4,12%, là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index.

Nhóm ngành lớn nhất là ngân hàng không tránh khỏi xu hướng tiêu cực. Ngoại trừ EIB tiếp tục màn trình diễn chói sáng với mức tăng 3,85%, các cổ phiếu còn lại đa phần giảm đáng kể. Chẳng hạn như OCB giảm tới 3,69%, VIB giảm 2,34%; các mã như BID, CTG, MBB, LPB, ACB, TPB, NAB đều giảm trên 1%.

Cổ phiếu chứng khoán tiếp tục điều chỉnh, một số mã giảm khá mạnh có thể kể đến HCM mất 2,2% giá trị, FTS giảm 2,35%, CTS giảm 2,47%, VDS giảm 3,47%.

Các cổ phiếu sản xuất, năng lượng, hàng không, công nghệ cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó DGC giảm 1,68%, BMP giảm 2,57%, MSN giảm 1,62%, SAB giảm 1,06%, DBC giảm 2,41%, REE giảm 1,56%, POW giảm 2,01%, VJC giảm 1,33%, FPT giảm 1,77%...

Bất động sản là nhóm ngành hiếm hoi ghi nhận sự phân hoá, dẫn dắt bởi VHM tăng 0,94%. Một số mã khác tăng trên 1% gồm PDR, TCH, HDC, DXS; đặc biệt là QCG tăng 5,24%. Thống kê cho thấy QCG đã tăng liên tục từ phiên 9/10 tới nay, từ mức giá 7.010 đồng/cổ phiếu lên 11.050 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 58% trong vòng vỏn vẹn 2 tuần.

Việc thị trường chứng khoán rơi vào tình cảnh “tin ra là bán” là một tín hiệu khá tiêu cực, bởi sau khi kết thúc mùa công bố báo cáo tài chính sẽ là thời điểm xuất hiện “vùng trống” thông tin trong nước, khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào bối cảnh thế giới, đặc biệt là cuộc họp liên quan đến lộ trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ.

Diễn biến tăng của chỉ số DXY và tỷ giá USD/VND gần đây phần nào phản ánh những rủi ro mang tính quốc tế mà thị trường phải đối mặt trong tương lai gần.

Cùng chuyên mục
Tin khác