Sau mùa ĐHCĐ, ngân hàng 'rộn ràng' chia cổ tức tiền mặt và cổ phiếu
(VNF) - Năm nay, cổ đông nhiều nhà băng vui hơn khi được chia cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt xông xênh hơn so với những năm trước. Tuy vậy, nhiều người băn khoăn nên nhận cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu sẽ có lợi hơn?
Cổ đông ngân hàng đón “cơn mưa” cổ tức
Cổ tức luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cổ đông tại mỗi mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngành ngân hàng.
Năm nay do kết quả kinh doanh khả quan nên kế hoạch chi trả cổ tức của nhiều ngân hàng khá xông xênh. Chia cổ tức trên dưới 20% là phương án khá phổ biến của nhiều ngân hàng.
Nếu như các năm trước, nhiều ngân hàng chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu thì năm nay nhiều nhà băng kết hợp chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu. Không chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao, số ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt cũng nhiều hơn so với những năm trước.
Thay đổi lớn nhất trong chính sách cổ tức trong hệ thống ngân hàng năm nay là Techcombank. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, nhà băng này lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và cả cổ phiếu.
Cụ thể, Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15% (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng) và chia tiếp cổ phiếu với tỷ lệ 1:1, nghĩa là cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới. Với tỷ lệ chia cổ tức như vậy, ước tính Techcombank phải chi khoảng 5.284 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ.
Việc chia cổ tức bằng cả hai hình thức tiền mặt và cổ phiếu cũng được nhiều nhà băng khác áp dụng trong năm nay.
Tại ĐHĐCĐ năm 2024, SHB thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ là 16%. Trong đó, 11% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt, tương ứng với khoảng 1.800 tỷ đồng.
Tương tự, tại ĐHĐCĐ, TPBank đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu. Trong đó, bằng tiền mặt 5% (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng) và cổ phiếu 20%.
ĐHCĐ VIB cũng mới thông qua kế hoạch chia cổ tức 29,5%, gồm 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng. Riêng về cổ tức tiền mặt, trong tháng 2/2024, VIB đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 6% và sẽ trả tiếp tỷ lệ 6,5% vào ngày 17/5 tới. Tổng số tiền mà VIB sử dụng để chi trả cổ tức tiền mặt là 3.171 tỷ đồng.
HDBank trình ĐHCĐ kế hoạch chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%, bao gồm 10% tiền mặt, 15% cổ phiếu. Đáng chú ý, năm nay, ngân hàng này dự kiến trả cổ tức năm 2024 lên tới 30%, bao gồm tiền mặt và cổ phiếu.
HĐQT ACB cũng vừa trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với số tiền 19.886 tỷ đồng. Theo đó, ACB chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng.
ĐHCĐ của MB cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ chi trả cổ tức là 20%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Cụ thể, ban lãnh đạo MB dự kiến chi hơn 2.600 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Cùng với đó, ngân hàng cũng phát hành gần 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông.
HĐQT Eximbank cũng đề xuất dùng 1.741 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, thông qua hai hình thức là cổ phiếu (7%) và tiền mặt (3%).
Trong khi đó, VPBank lại có kế hoạch sử dụng 7.934 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II và III/2024.
Một số nhà băng khác như MSB, OCB, Nam A Bank, SeABank… tuy không chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng cũng dự kiến chia cổ tức bằng hình thức phát hành cổ phiếu, với tỷ lệ từ 13% đến 30%.
Chẳng hạn, tại MSB, ngân hàng này có kế hoạch chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023.
Tại Nam A Bank, ngân hàng này trả cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu với tổng giá trị hơn 2.645 tỷ đồng.
Tương tự, OCB có kế hoạch trả toàn bộ cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ, VietBank thông qua quyết định chia cổ tức với tỷ lệ 25% dưới hình thức chi trả bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 5.780 tỷ đồng lên 7.139 tỷ đồng.
HĐQT Bac A Bank cũng mới thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 là 6,93%.
Còn SeABank có kế hoạch phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 13,18% và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 0,41%.
Tại nhóm các ngân hàng thương mại quốc doanh, cả BIDV, VietinBank và Vietcombank đều thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trong đó, HĐQT BIDV trình cổ đông phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, với số lượng gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 21%.
Bên cạnh những ngân hàng chia cổ tức cao thì không ít nhà băng nói “không” với cổ tức như LPBank, ABBank, SaigonBank... trong năm 2024, mặc dù từng chi cổ tức trong năm ngoái. Sacombank và NCB tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2024 do đang trong diện tái cơ cấu.
Có thể thấy, mùa ĐHCĐ năm nay, cổ đông nhiều ngân hàng vui hơn mọi năm khi vừa được chi trả cổ tức bằng tiền mặt, vừa được chia bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao.
Nên nhận cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu?
Trước thời gian dịch Covid-19, nhiều ngân hàng thường lên kế hoạch chia cổ tức vừa bằng tiền mặt vừa cổ phiếu.
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, trong ba năm từ năm 2020-2022, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu...
Song từ năm 2023, cơ quan quản lý không còn "siết" chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao.
Như vậy, "vòng kim cô" đã được gỡ, làn sóng chia cổ tức tiền mặt bắt đầu quay lại trong 2 năm gần đây.
Nhiều cổ đông mong nhận được cổ tức bằng tiền mặt vì thích “tiền tươi thóc thật”.
Tuy nhiên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng có những ưu điểm riêng.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư dài hạn kỳ vọng cho những mục tiêu lớn hơn của doanh nghiệp sẽ thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu vì họ biết “cơm chưa ăn, gạo còn đó”.
Việc các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao trong giai đoạn này có lợi cho cổ đông khi giá cổ phiếu vua có bước tăng trưởng tốt. Còn về phía ngân hàng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp họ tăng được vốn, tăng cường năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, đáp ứng chuẩn mực quốc tế.
Việc trả cổ tức bằng phát hành cổ phiếu bản chất là tách nhỏ cổ phiếu của cổ đông, song giúp ngân hàng đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa mở rộng danh mục tín dụng. Vì thế, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng mang lại lợi ích cho cổ đông nắm giữ và kỳ vọng vào đà tăng giá dài hạn khi nhà băng kinh doanh hiệu quả.
Mới đây, lãnh đạo ACB chia sẻ, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết, qua đó tăng thêm nguồn vốn trung - dài hạn để phục vụ cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính.
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng phân tích dữ liệu FiinGroup, nhìn nhận, về dài hạn, ngân hàng là ngành đáng chú ý nhờ các yếu tố hỗ trợ. Kế hoạch trả cổ tức, dòng tiền ngoại, sự cải thiện về chất lượng tài sản khi tín dụng tăng trở lại và các tín hiệu hồi phục về vĩ mô trở nên vững chắc hơn sẽ giúp gia tăng dòng tiền và tạo động lực về giá ở cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.
Việc nhiều nhà băng ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng trong quý đầu năm và quyết định mạnh tay chia cổ tức được xem là tín hiệu tích cực tác động lên cổ phiếu "vua" vốn dĩ được đánh giá cao so với các nhóm ngành khác trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!
- Techcombank lên kế hoạch chia cổ tức 'khủng', tăng vốn điều lệ gấp đôi 20/04/2024 01:28
- Cổ đông ngân hàng: Vui buồn cổ tức mùa đại hội 09/04/2024 12:58
- HDBank chia cổ tức 25% bằng tiền và cổ phiếu, tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ cao 05/04/2024 09:14
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.