Bất động sản

Sáu năm cổ phần hóa: Hãng phim truyện Việt Nam đổ nát, đất vàng nghìn tỷ kẹt trong tay đại gia

(VNF) - Hãng phim truyện Việt Nam sau 6 năm cổ phần hóa (CPH) ngày càng đổ nát hơn, mảnh “đất vàng” ước tính tới hàng nghìn tỷ bên Hồ Tây vẫn trong tay đại gia ngành vận tải đường thủy khi Vivaso vẫn không hợp tác tích cực để giải quyết các sai phạm cổ phần hóa.

Đã quá thời hạn 1 tháng, kể từ ngày Văn phòng Chính phủ ra “tối hậu thư” trong Thông báo số 101/TB-VPCP về việc xử lý dứt điểm sau thanh tra công tác cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2023 về những biện pháp xử lý khả thi, nhưng các đơn vị liên quan hiện vẫn chưa có câu trả lời.

Năm 2017, khi Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) tham gia cổ phần hóa, đầu tư vốn trở thành nhà đầu tư chiến lược và cử người nắm vị trí lãnh đạo tại VFS. Kể từ đó, nhiều bất cập đã xảy ra khi hãng không đầu tư các dự án phim mới, các nghệ sĩ rơi vào cảnh thất nghiệp, cơ sở vật chất đổ nát, hãng phim gần như đóng cửa nhiều nghệ sỹ bức xúc đã lên tiếng trên công luận và các cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Tháng 9/2018, kết luận của Thanh tra Chính phủ số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018 về “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam” chỉ rõ CPH có nhiều sai phạm, nổi bật là việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp. Sau đó, Vivaso buộc phải xin rút khỏi hãng, nhưng tới nay nhà đầu tư này vẫn chưa thoái vốn khỏi VFS.

Trong khi việc xử lý sai phạm cổ phần hóa chưa dứt điểm, thì mới đây sự cố cho hàng trăm bộ phim quý đang lưu giữ ở hãng bị hư hỏng do thiếu điều kiện bảo quan, nhiều trang thiết bị sản xuất phim hư hỏng, các dãy nhà làm việc xuống cấp được phản ánh càng làm cho dư luận thêm bức xúc.

Hãng phim không hoạt động, khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, tổng diện tích lên tới gần 5.500m2 và 3 mặt tiền rộng hơn 20m phố Thụy Khuê, Chu Văn An và Nguyễn Đình Thi cũng mắc kẹt trong tay đại gia Vivaso khi các lãnh đạo VFS là người Vivaso cử sang không thể có quyết định nào để vận hành hãng phima hay khai thác khu đất hiệu quả và đúng luật.

Giá thị trường đất khu vực này năm 2017 khoảng 150 triệu đồng/m2 và nay ước tính đã tăng gấp đôi, khoảng 300 triệu đồng/m2.

Từ khi bắt đầu thực hiện CPH, việc chọn cổ đông chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso là đối tác chiến lược, mua chi phối cổ phần VFS đã gây nhiều tranh cãi khi ngành nghề chính của Visaco là vận tải đường sông. Việc Vivaso chỉ cần chi 32,5 tỷ đồng để sở hữu 65% VFS đặt ra rất nhiều nghi vấn vì việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Đến nay, VFS trong tình trạng “chết lâm sàng”, cơ sở hạ tầng xuống cấp xập xệ, cây cỏ hoang mọc khắp nơi. Cán bộ nhân viên đã nhiều người bỏ việc.

Thanh tra Chính phủ đã vạch sai phạm cụ thể CPH ở hãng phim truyện như: lựa chọn tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn CPH chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Ban Chỉ đạo CPH để cho VFS tự lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn CPH là vi phạm Luật Đấu thầu 2013. 

Việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có nhiều sai sót như: Xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh để lại nhiều hậu quả gây bức xúc.

 

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc VFS ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội); góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng thương mại và du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.

Trước bức xúc của văn nghệ sĩ và dư luận được nêu ra nhân dịp Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam vừa qua, gần 5 năm sau khi có Thông báo Kết luận Thanh tra, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 28/3/2023 về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Tại thông báo này, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa VFS và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.

Tại họp cuộc họp báo thường kỳ vừa qua, Bộ VHTT&DL cho biết, đến nay Vivaso vẫn không hợp tác tích cực để giải quyết vụ việc (chưa đưa ra văn bản, tính toán chi phí, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần đã mua của VFS).

Tin mới lên