Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Tỷ giá dần ổn định
Sau giai đoạn biến động mạnh, tỷ giá gần đây đã dần ổn định trở lại.
Thực tế, trong vòng 1 tháng qua, tỷ giá VND/USD đã dần hạ nhiệt sau tín hiệu bớt "diều hâu" trong điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Kể từ tháng 9 đến nay, Fed đã giữ nguyên lãi suất trong 3 cuộc họp liên tiếp, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 8 tới nay.
Ngày 13/12 (theo giờ địa phương, tức rạng sáng 14/12 giờ Việt Nam), sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,50% và đưa ra tín hiệu cho biết giai đoạn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ của cơ quan này có thể đã kết thúc,và lãi suất sẽ giảm vào năm 2024.
Đây được xem là một tín hiệu mềm mỏng trong chu kỳ thắt chặt của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới trước diễn biến tích cực của lạm phát. Việc Fed và các ngân hàng trung ương lớn kết thúc chu kỳ nâng lãi suất đã tác động tích cực tới thị trường toàn cầu thời gian gần đây.
Ngay sau cuộc họp của Fed, chỉ số DXY - đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt lao dốc xuống mức 102 điểm, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8/2023. Chứng khoán Mỹ và châu Á cũng đồng loạt bật tăng.
Chỉ số DXY sụt giảm nhanh chóng đã hỗ trợ cho tỷ giá trong nước. Ngày 14/12 và 15/12, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục điều chỉnh giảm 9 và 62 đồng, xuống mức 23.882 đồng/USD.
Sau quyết định giữ nguyên mức lãi suất của Fed lần thứ 3 liên tiếp, các ngân hàng đều điều chỉnh tỷ giá niêm yết giữa đồng Việt Nam và USD. Giá mua - bán đồng bạc xanh tại nhiều ngân hàng đều được điều chỉnh giảm. Tỷ giá USD/VND phổ biến của các ngân hàng niêm yết phiên cuối tuần ở mức mua vào là 24.040 đồng/USD, bán ra 24.410 đồng/USD.
So với đầu năm, tỷ giá hiện chỉ tăng khoảng 2,7%, nằm trong biên độ mục tiêu +_3% đã đề ra cho năm nay.
Ngoài yếu tố từ thế giới, việc tỷ giá hạ nhiệt nhanh được giới chuyên môn đánh giá nhờ phản ứng chính sách linh hoạt của NHNN và nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang thặng dư thương mại, FDI và kiều hối tích cực, cộng với tâm lý kỳ vọng lãi suất tăng giá không còn nữa là cơ sở để tỷ giá vào xu hướng ổn định.
Sau động thái của Fed, sức ép lên tỷ giá đã giảm bớt và Việt Nam cũng đã có chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, vẫn cần duy trì lãi suất ở mức hợp lý, để duy trì ổn định tỷ giá, hỗ trợ cho xuất khẩu và nhập khẩu.
Ông Huỳnh Duy Sang - Giám đốc Khối thị trường Tài chính - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhận định: "Chúng tôi nhận thấy tâm lý thị trường rất tích cực. Về dài hạn khi lãi suất USD đạt đỉnh và theo xu hướng giảm dần thì những kỳ vọng về tỷ giá, lãi suất sẽ được điều chỉnh tương ứng, tạo ra lợi thế dài hạn đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng, làm giảm nhẹ đi áp lực kiềm chế tỷ giá của mình".
Tỷ giá năm 2024 sẽ ra sao?
Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế đang xuất hiện những điều kiện nội tại thuận lợi để phục hồi trong năm 2024 bao gồm mặt bằng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, xuất nhập khẩu bắt đầu tăng trưởng trở lại cùng với đầu tư công vẫn được đẩy mạnh.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định, trước mắt, đồng USD hạ nhiệt thì yếu tố đầu cơ giảm đi giúp tỷ giá có không gian ổn định. Nếu giai đoạn nửa sau của 2024 khi lãi suất đồng USD thực sự giảm, Fed cắt lãi suất, phần lượng tiền gửi đâu đó bên ngoài hệ thống sẽ quay trở lại và sẽ giúp VND thậm chí tăng giá trở lại.
Không phủ nhận những áp lực lên tỷ giá vẫn còn trước biến động kinh tế toàn cầu khó lường, Việt Nam lại là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, song với cách thức điều hành chính sách linh hoạt, hiệu quả như hiện nay của nhà điều hành, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, tỷ giá sẽ giữ được ổn định trong năm 2023 và có thể cả năm 2024.
Ông Nghĩa nhìn nhận, tỷ giá tăng thời gian qua chủ yếu do đồng USD tăng giá. Song đồng USD khó có thể tăng mạnh trong xu hướng đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ khá tích cực sẽ là những yếu tố giúp áp lực tỷ giá không còn mạnh thời gian tới.
Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho hay, tỷ giá năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định. Do vậy, NHNN vẫn tiếp tục theo dõi sát biến động của nền kinh tế thế giới, duy trì chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt.
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng sức mạnh đồng USD vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối tỷ giá trong năm tới. Nhưng trong điều kiện thuận lợi, nếu chỉ số DXY không tăng mạnh và NHNN duy trì chính sách điều hành linh hoạt thì VND có thể giữ mức giảm giá hợp lý dưới 3% so với USD trong năm 2024.
Còn nhóm phân tích của Ngân hàng UOB đánh giá, tỷ giá đã giảm xuống mức thấp hơn dự đoán sau khi Fed phát đi tín hiệu có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Mặc dù đồng VND có thể chịu ảnh hưởng từ xu hướng phục hồi ngoại hối rộng khắp châu Á, nhưng nhóm phân tích của UOB cho rằng, mức tăng có thể bị hạn chế do sự phục hồi kinh tế năm 2024 còn khiêm tốn.
“Nhìn chung, dự báo VND/USD cập nhật của chúng tôi là 24.000 VND/USD trong quý I năm 2024; 23.800 VND/USD trong quý II năm 2024; 23.600VND/USD trong quý III năm 2024 và 23.500VND/USD trong quý IV năm 2024”, nhóm phân tích của UOB dự báo.
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.