Phó Thống đốc nói thẳng: Không thể có sự bất biến trong tỷ giá

Mai Anh - 20/10/2023 17:36 (GMT+7)

(VNF) - "Một số ý kiến cho rằng tỷ giá nhảy múa, nhưng thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

VNF
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thông điệp trên được Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ tại Hội nghị “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 20/10 tại Đắk Lắk.

Phó Thống đốc khẳng định vai trò của NHNN là không để xảy ra lạm phát và giữ ổn định tỷ giá. Theo Phó Thống đốc, một số quốc gia lạm phát rất cao, nếu chúng ta rơi vào tình trạng đó thì đời sống của người dân sẽ vất vả vô cùng. 

Thời gian tới, NHNN vẫn sẽ kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, tỷ giá dù có thể lên xuống nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép.

“Một số ý kiến cho rằng tỷ giá nhảy múa, nhưng thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá”, ông Tú nói.

Phó Thống đốc cũng kêu gọi các doanh nghiệp hãy tin tưởng NHNN sẽ điều hành tỷ giá ở mức ổn định. 

Thời gian qua, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh và ban hành các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời, chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và một số nguyên nhân bất khả kháng khác.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD, kịp thời ban hành/trình ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ...

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thực trạng hiện nay doanh nghiệp nói thiếu vốn, ngân hàng nói thừa vốn. Để giải quyết được tình trạng này không thể giải quyết được ngay lập tức. 

Đây là câu chuyện thị trường, nhưng nếu để thành trào lưu thì lại là câu chuyện của chính sách. Ngược lại, nếu ngân hàng cho vay ồ ạt sẽ dẫn đến đổ vỡ ngân hàng. Một số ngân hàng hoạt động không đảm bảo an toàn trong quá khứ như OceanBank, GPBank, CBBank, gần đây là SCB đều là hệ quả của việc hoạt động không đảm bảo an toàn. 

Trước đó, tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được tổ chức mới đây, Phạm Thanh Hà cho biết NHNN đã cố gắng điều hành ổn định thị trường ngoại tệ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn, ổn định tỷ giá. Các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. NHNN luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo khi thị trường thừa ngoại tệ thì NHNN nước can thiệp để mua vào.

Năm 2022, khi thị trường rất khó khăn, Mỹ thắt chặt tiền tệ, các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền về thì hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo cung ngoại tệ cho thị trường. Năm nay, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, NHNN vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và tỷ giá biến động khoảng 3,9% là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực.
 

Cùng chuyên mục
Tin khác