Sau quyết định của Fed: Trung Quốc, Nhật Bản giữ nguyên lãi suất, chứng khoán châu Á tăng
(VNF) - Sau quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong sáng 20/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) là những ngân hàng trung ương lớn tại châu Á đưa ra những quyết định mới liên quan tới chính sách tiền tệ.
Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay
Ngày 20/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết họ sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm ở mức 3,35%, cũng như LPR 5 năm ở mức 3,85%.
Lãi suất LPR một năm ảnh hưởng đến các khoản vay của doanh nghiệp và hầu hết các hộ gia đình ở Trung Quốc, trong khi lãi suất LPR năm năm đóng vai trò là chuẩn mực cho lãi suất thế chấp.
Động thái của PBOC trái ngược với kỳ vọng của thị trường, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mạnh tay cắt giảm lãi suất 0,5% vào ngày 19/9.
Tuy nhiên, những người theo dõi thị trường tin rằng các biện pháp kích thích tiếp theo sẽ được triển khai để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn, vì việc nới lỏng của Fed sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ mà không gây tổn hại quá mức đến đồng NDT.
Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ, cho biết: "Việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ được đưa vào một gói chính sách lớn hơn, đang được các quan chức cấp cao xem xét", ám chỉ các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.
"Dữ liệu kinh tế hiện tại và kỳ vọng đều ủng hộ việc cắt giảm lãi suất. Và việc hạ lãi suất cho vay thế chấp hiện tại cũng đòi hỏi phải giảm thêm LPR kỳ hạn 5 năm, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm đáng kể và một lần của LPR trong quý IV", ông Xing cho biết thêm.
Trước đó, hồi tháng 7, Trung Quốc đã khiến thị trường bất ngờ khi hạ lãi suất cho vay ngắn hạn và dài hạn, một động thái nhằm thúc đẩy tăng trưởng khi nền kinh tế này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tâm lý tiêu dùng và kinh doanh suy yếu.
Vào tháng 8, doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư đô thị của Trung Quốc đều tăng chậm hơn dự kiến, không đạt kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng, trong khi giá nhà theo năm giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm.
Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng nhấn mạnh đà tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế và làm dấy lên lời kêu gọi chính phủ triển khai thêm nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ.
Một số ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc xuống dưới mục tiêu chính thức của chính phủ là 5%. Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc xuống còn 4,8% và Citigroup đã cắt giảm dự báo xuống còn 4,7%.
Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên lãi suất chuẩn
Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức “khoảng 0,25%” - mức cao nhất kể từ năm 2008 - sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào ngày 20/9.
Mặc dù quyết định này phù hợp với ước tính của thị trường, các nhà kinh tế phần lớn dự đoán lãi suất sẽ tăng thêm một lần nữa vào cuối năm.
Quyết định được đưa ra khi BOJ đang thận trọng thực hiện nhiệm vụ bình thường hóa chính sách tiền tệ sau thời gian dài duy trì chính sách cực kỳ dễ dãi, đồng thời không gây ra cú sốc cho nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết trong tuyên bố chính thức rằng nền kinh tế Nhật Bản đã phục hồi ở mức vừa phải, lưu ý rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng với “tốc độ cao hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng".
Tháng trước, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế và lạm phát vẫn nằm trong phạm vi dự báo của ngân hàng trung ương.
Lập trường thắt chặt đã khiến BOJ trở thành một ngoại lệ vào thời điểm mà hầu hết các ngân hàng trung ương toàn cầu đang chuyển sang chính sách nới lỏng. Mãi tới tháng 3 vừa qua, BOJ mới từ bỏ lãi mức suất âm và tăng lãi suất chủ chốt lên 0,25% vào tháng 7 vì cho rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
BOJ cho biết tỷ lệ lạm phát cơ bản của nước này - không tính giá thực phẩm tươi sống - sẽ tăng trong năm tài chính 2025.
Stefan Angrick, phó giám đốc tại Moody’s Analytics, dự đoán BOJ có thể sẽ tăng lãi suất vào tháng 10 và “giảm dần hỗ trợ tiền tệ trong năm nay mặc dù dữ liệu kinh tế không mấy khả quan”.
Nhật Bản đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng GDP quý II xuống mức 2,9% so với quý trước, mức phục hồi kinh tế chậm hơn so với ước tính ban đầu của chính phủ và không đạt được dự báo tăng trưởng 3,2%.
Quyết định về lãi suất của BOJ được đưa ra một tuần trước cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do vào ngày 27/9, nơi người chiến thắng dự kiến sẽ là thủ tướng mới vào đầu tháng 10.
Chứng khoán châu Á tăng, Nikkei 225 dẫn đầu
Hầu hết thị trường cổ phiếu châu Á tiếp tục đà tăng vào phiên 20/9 nhờ lực thúc đẩy từ đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay của Fed, trong khi đồng yên tăng cao khi Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên lãi suất và lạc quan về nền kinh tế.
Chỉ số MSCI rộng nhất của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản tăng 0,7% lên mức cao nhất trong hai tháng. Chỉ số này đang hướng đến mức tăng hàng tuần là 2,5%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu đà tăng trong khu vực, tăng 2,1%, một phần nhờ đồng yên yếu hơn khi phe mua chốt lời từ đợt tăng giá gần đây lên mức cao nhất trong 14 tháng. Chỉ số Topix tăng 1,53% trong phiên giao dịch sáng 20/9.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,01% và chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq tăng 1,15%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng nhẹ 0,51%.
Cổ phiếu Trung Quốc là một ngoại lệ trong khu vực, với chỉ số CSI300 giảm 0,3% vào đầu sáng, trước khi thu hẹp mức lỗ về khoảng 0,18%. Đồng NDT trong nước tăng giá lên mức cao nhất trong gần 16 tháng, khiến các ngân hàng nhà nước phải can thiệp để ngăn chặn đồng tiền này tăng giá quá nhanh.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,09%.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 19/9 tại Phố Wall, cả ba chỉ số chính đều tăng điểm với Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,26% và đóng cửa ở mức 42.025,19, vượt qua ngưỡng 42.000 lần đầu tiên.
Chỉ số S&P 500 tăng 1,7% và đóng cửa ở mức 5.713,64, lần đầu tiên vượt qua mốc 5.700. Chỉ số Nasdaq Composite tăng vọt 2,51% và đóng cửa ở mức 18.013,98.
Ba chỉ số trung bình chính đang trên đà tăng trưởng hàng tuần, với S&P 500 tăng gần 1,6% cho đến khi đóng cửa phiên giao dịch ngày19/9. Dow Jones tăng 1,5% trong tuần, trong khi Nasdaq tăng trưởng vượt trội với mức tăng 1,9%.
Trên thị trường ngoại hối, đồng USD giảm xuống gần mức thấp nhất trong một năm so với các loại tiền tệ chính. USD đã giảm 0,2% xuống còn 142,31 yên, tăng khoảng 1% trong tuần này. Đồng bảng Anh giữ ở mức 1,3278 USD, tăng 0,7% qua đêm lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 khi Ngân hàng Anh giữ nguyên lãi suất.
Vàng dao động gần mức cao kỷ lục là 2.592,17 USD/ounce và giá dầu Brent tương lai giảm 0,3% xuống còn 74,69 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 4,2% trong tuần này.
Fed kích hoạt nới lỏng tiền tệ: Tỷ giá USD/VND và lãi suất sẽ ra sao?
- Fed hạ lãi suất sâu: Chờ tới năm sau mới 'ngấm' đến Việt Nam? 20/09/2024 07:00
- FED giảm lãi suất, tiền ngoại tiếp tục đẩy giá chứng khoán Việt 19/09/2024 03:31
- Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm %: Chu kỳ nới lỏng tiền tệ bắt đầu 19/09/2024 06:15
Toàn cảnh biệt thự trên bán đảo Sơn Trà bị Đà Nẵng thu hồi
(VNF) - Khu biệt thự được bảo phủ một màu xanh của các tán lá cây rừng. Do đó, Khu biệt thự rất khó nhìn thấy ở trên cao.