Thị trường

Sầu riêng 1 vốn 5 lời: Đại gia Việt đua nhau trồng, dự thu lãi hàng nghìn tỷ

Không chỉ nông dân mà các đại gia Việt như bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương… cũng đua nhau trồng sầu riêng khi loại cây này đang cho lãi từ 1,2-3 tỷ đồng/ha. Đây là mặt hàng cho lợi nhuận 'siêu khủng' trong ngành nông nghiệp hiện nay.

Đua nhau trồng “cây tỷ đô”

Phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, thế nhưng chỉ sau một năm xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng Việt Nam đã trở thành “cây tỷ đô” mới của Việt Nam khi kim ngạch năm 2023 đạt khoảng 2,3 tỷ USD. 

Giá sầu riêng theo đó tăng phi mã, thành mặt hàng siêu đắt đỏ. Hiện, giá sầu riêng thu mua tại vườn dao động từ 125.000-200.000 đồng/kg. Nhờ đó, nông dân trồng sầu riêng trong năm vừa qua có thể thu lãi từ 1,2-3 tỷ đồng/ha tùy thời điểm và năng suất. Đây là mức lợi nhuận siêu khủng, khó có mặt hàng nào trong ngành nông nghiệp ở nước ta đạt được hiện nay.

Bởi thế, nông dân ở nhiều tỉnh, thành đua nhau mở rộng diện tích trồng "cây tỷ đô" này. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích sầu riêng năm 2023 ở nước ta ước đã lên tới 131.000ha, tăng 20% so với năm 2022.

Khi nói về lợi nhuận của cây sầu riêng, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT HAGL (HAG) – thừa nhận, đây là cây trồng “1 vốn 5 lời”. Điều này chính bản thân ông cũng cảm thấy bất ngờ.

Bầu Đức cho biết, công ty ông đã trồng 1.200ha sầu riêng, trong đó 700ha cho thu hoạch vào tháng 10-11 vừa qua. Doanh nghiệp của ông mới xuất bán khoảng 440 tấn sầu riêng với giá gần 100.000 đồng/kg, thu về vài chục tỷ đồng.

“Mua sầu riêng của tôi đều là khách hàng lớn tại Trung Quốc”, bầu Đức chia sẻ. Năm nay, ông tính toán sản lượng thu hoạch sẽ lên tới vài nghìn tấn. Sầu riêng được thu hoạch sẽ bán trực tiếp cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc chứ không qua khâu trung gian.

HAGL đang trồng thêm sầu riêng với mục tiêu đạt tổng diện tích 2.000 ha vào năm 2026.

Theo nội dung được thông qua tại Đại hội bất thường, HAGL Agrico (HNG) của tỷ phú Trần Bá Dương cũng quyết “làm thương vụ lớn” tại Lào khi tính toán đầu tư 18.000 tỷ đồng để trồng chuối, sầu riêng, nuôi bò…, lợi nhuận dự kiến 2.450 tỷ đồng/năm.

Thời gian hoàn thiện đầu tư dự án từ năm 2024 đến 2028. Riêng với cây sầu riêng, HNG ước tính sản lượng xuất khẩu sau khi hoàn thành lên đến 9.500 tấn/năm. 

Là doanh nghiệp cao su lớn, song từ năm 2018, Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) bắt đầu chuyển hướng đầu tư thêm các cây trồng khác, trong đó có sầu riêng.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của DRI vừa công bố cho thấy doanh thu 148 tỷ đồng - tăng nhẹ so với cùng kỳ, trong đó có doanh thu từ sầu riêng. Đây là quý đầu tiên DRI ghi nhận nguồn thu từ sầu riêng - loại nông sản gây chú ý trong năm qua khi giá lập đỉnh lịch sử và neo ở mức cao, mang về 2,3 tỷ USD cho ngành nông nghiệp Việt. 

Theo ghi nhận của DRI, với giá vốn chỉ 365,4 triệu đồng, tức mảng sầu riêng của DRI đang cho mức hiệu suất lên đến “1 vốn 6 lời”.

Thị phần sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc tăng mạnh. Biểu đồ: Tâm An.

 

Sầu riêng bán giá 30.000 đồng/kg vẫn có lãi

Chia sẻ về thị trường sầu riêng, ông Đoàn Nguyên Đức nhìn nhận, trong 10 năm tới, sầu riêng vẫn chưa đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng. Đây cũng là lý do HAGL có kế hoạch mở rộng diện tích sầu riêng trong những năm tới đây.

Theo bầu Đức, sầu riêng là cây lâu năm, sau 6-7 năm trồng mới ra quả. Đặc biệt, sầu riêng là cây khó trồng, không phải vùng nào cũng trồng để cho quả chất lượng tốt. Ông lấy dẫn chứng, Trung Quốc đã trồng thử nhưng chưa thành công.

“Hiện Trung Quốc vẫn là nước ‘ăn’ sầu riêng mạnh nhất, các nước khác mới bắt đầu tìm hiểu mà thôi. Vì vậy, tôi tin chắc thị trường ngày càng lớn, có trồng khắp Việt Nam cũng không đủ bán”, ông nhấn mạnh. 

Bầu Đức cũng chỉ rõ, sầu riêng không chỉ dùng ăn tươi mà còn có thể chế biến thành vô vàn sản phẩm khác như: chè sầu riêng, kem sầu riêng, bánh sầu riêng, bánh trung thu sầu riêng. Thậm chí, ở Trung Quốc, người dân còn làm cả lẩu sầu riêng nữa. Thế nên, sầu riêng sẽ thành nguồn nguyên liệu tương đối đặc thù cho ngành chế biến thực phẩm. Đó là lý do tại sao sầu riêng vẫn luôn có giá cao. 

Nông dân đang thu lãi đậm nhờ giá sầu riêng cao chót vót. Ảnh: Báo Đắk Nông

Với sản lượng như hiện nay (20-30 tấn/ha - PV), bầu Đức tính toán giá sầu riêng chỉ cần 30.000 đồng/kg là người trồng đã có lãi.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, 10-20 năm tới, sầu riêng Việt Nam vẫn “sống khoẻ”. Bởi, với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới.

Thống kê của cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, quốc gia này chi ra 6,7 tỷ USD để nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng 72,9% về lượng và tăng 65,6% về giá trị so với năm 2022.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD để mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Theo đó, thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023. 

Các dự báo trước đó cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, dung lượng có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện nay, có 4 quốc gia được phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc. Song, theo ông Nguyên, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn bởi quãng đường vận chuyển gần. Đặc biệt, sầu riêng Việt gần như được thu hoạch quanh năm, trong khi các quốc gia đối thủ chỉ có theo mùa.

Ngoài hàng tươi nguyên quả, Bộ NN-PTNT cũng đang hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế bảo quản, giải quyết vấn đề mùa vụ để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, giữ giá sầu ổn định hơn.

"Nếu nghị định thư xuất khẩu sầu cấp đông được ký kết thì 1 container sầu cấp đông sẽ có giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với hàng tươi nguyên quả", lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh.

Tin mới lên