Toàn cảnh công trường cầu 2.300 tỷ nối Đảo Vũ Yên vào nội đô Hải Phòng
(VNF) - Cầu Máy Chai (Cầu Hoàng Gia) nối khu đô thị trên đảo Vũ Yên và quận Ngô Quyền với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng
“Chuyển động” trong đội ngũ cấp cao của các ngân hàng dự kiến tiếp nhận các ngân hàng yếu kém; cộng với việc Chính phủ đưa ra “deadline” trình phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng là GPBank và DongA Bank khiến nhiều người kỳ vọng sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ trong tái cơ cấu NH yếu kém.
Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN phải khẩn trương trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12/2024. NHNN cũng bày tỏ quyết tâm sẽ hoàn thành việc chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém trong năm 2024 này. Như vậy, chốt năm 2024, chặng đường tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ bước sang một chương hoàn toàn mới.
Kể từ khi NHNN mua lại ngân hàng 0 đồng đầu tiên – Ngân hàng VNCB (nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CBBank), hành trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã kéo dài tới gần 10 năm.
Sau CBBank, NHNN tiếp tục mua lại 2 ngân hàng 0 đồng khác là Ngân hàng Đại dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đến tháng 8/2015, có thêm Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chủ yếu gắn liền với Quyết định số 1058/2016/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ: khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém của Việt Nam.
Ban đầu, với những điều kiện hấp dẫn như cho phép tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng yếu kém là 100% hay hạn chế cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại,…, đã có không ít đối tác ngoại bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng.
Dẫu vậy, vẫn chưa có một tổ chức nước ngoài nào tham gia vào công cuộc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Những kỳ vọng về một thương vụ M&A để đời trước đó của CBBank và Tập đoàn J Trust của Nhật Bản hay OceanBank với đối tác nước ngoài cũng dần tắt lịm và không có ngân hàng yếu kém nào tìm được “bến đỗ”.
Thực trạng tài chính của các ngân hàng 0 đồng, chính vì vậy, cũng không có gì khởi sắc, thậm chí rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.
Mặc dù không cập nhật báo cáo tài chính từ khi vào diện kiểm soát đặc biệt nhưng theo cập nhật đến cuối năm 2019, lỗ lũy kế của OceanBank là 15.412 tỷ đồng trong khi con số này tại CBBank và GPBank lần lượt là 31.681 tỷ đồng và 16.280 tỷ đồng.
Chặng đầu của hành trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém coi như 'lỡ hẹn'. Báo cáo lên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào năm 2020, NHNN cho biết nguyên nhân của lần 'lỡ hẹn' này do việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc là “một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư”.
Giữa lúc việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng vẫn “dùng dằng”, chưa thể về đích thì ngành ngân hàng lại phải “đèo bòng” thêm một “gánh nặng” mới – đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Vào ngày 15/10/2022, NHNN công bố quyết định kiểm soát đặc biệt để ổn định hoạt động của ngân hàng này sau những bê bối liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Việc tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, từ chỗ chỉ có 4 cái tên là CBBank, OceanBank, GPBank, DongA Bank, đã có thêm SCB.
Cũng trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”. Từ cơ sở đó, kỳ vọng xử lý ngân hàng yếu kém đã chuyển trọng tâm từ các đối tác nước ngoài sang các nhà băng nội. Các ngân hàng thương mại lớn trong nước lúc bấy giờ như MB, Vietcombank, VPBank, HDBank,… được tin tưởng đã có nguồn lực tốt và am hiểu thị trường, sẵn sàng cho chặng tiếp theo trong hành trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Khi đó, thông tin ban đầu cho biết, OceanBank được MB và CBBank được Vietcombank nhận để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo còn DongABank được HDBank và GPBank được VPBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ.
Tuy vậy, cũng phải đến gần cuối năm 2024, hành trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém mới thực sự có bước chuyển đáng kể. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã “cấp” thêm nhiều “lợi thế” cho các nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc, từ đó, góp phần tạo nên một giai đoạn “chưa từng có tiền lệ” như Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Vào tháng 10/2024, OceanBank và CBBank chính thức được chuyển giao bắt buộc cho MB và Vietcombank. Chỉ sau hơn 1 tháng về nhà mới, những ngân hàng 0 đồng đã bắt đầu có những bước tiến mới.
Nổi bật nhất là Oceanbank, (nay đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại, gọi tắt là MBV), chỉ từ ngày 17/10 – 13/12, tăng trưởng huy động vốn đạt 1.229 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng thêm 555 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB, MB và MBV cũng đã triển khai các khoản bán nợ với quy mô gần 6.000 tỷ đồng. Đồng thời, bộ máy nhân sự chủ chốt của MBV cũng được kiện toàn với 80 nhân sự có chất lượng cao, dày dặn kinh nghiệm được MB lựa chọn.
Trong khi OceanBank có những bước tiến mới, 2 ngân hàng yếu kém còn lại là GPBank và DongA Bank cũng dự kiến sẽ sớm được chuyển giao cho các ngân hàng khác. Trường hợp của SCB cũng đang được Chính phủ đốc thúc và khẳng định “không để chậm trễ hơn được nữa”, mở đường cho quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ hơn vào năm 2025.
Theo Nghị quyết số 233/NQ-CP, NHNN sẽ phải trình phương án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12/2024. Một phần tương lai của GPBank và Dong A Bank đang dần được sáng tỏ.
Dẫu vậy, dù cả 4 ngân hàng yếu kém có được chuyển giao trong năm 2024 như lãnh đạo NHNN kỳ vọng thì ngành ngân hàng vẫn chưa thể vội mừng bởi còn rất nhiều nhiệm vụ thách thức hơn đang chờ ở phía trước.
Khó khăn trước mắt chính là câu chuyện của ngân hàng SCB bởi đây có thể được xem một trong những trường hợp tái cơ cấu phức tạp nhất trong hệ thống tài chính Việt Nam trong lịch sử.
Đầu tiên phải kể đến việc SCB là ngân hàng có quy mô lớn nhất trong số các ngân hàng đang tái cơ cấu, với tổng tài sản vượt 750.000 tỷ đồng (theo báo cáo trước khi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt vào tháng 10/2022). Chưa kể, SCB còn phải đối mặt với nhiều "bài toán khó", từ danh mục trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao, các khoản vay bất động sản tiềm ẩn nguy cơ mất vốn, đến các vấn đề pháp lý gắn liền với cổ đông lớn như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Với quy mô tài sản lớn, khối nợ xấu khủng, sự phức tạp về pháp lý và tài chính, cũng như áp lực duy trì niềm tin thị trường, việc xử lý SCB phải vô cùng cẩn trọng và được xem xét kỹ lưỡng nhằm tránh gây rủi ro lan tỏa cho toàn hệ thống ngân hàng. Chỉ một sai sót nhỏ trong xử lý SCB cũng có thể gây ra “hiệu ứng domino”, đe dọa đến sự ổn định hệ thống ngân hàng thương mại trong nước.
Trong khi đó, chặng đường mới của 4 ngân hàng yếu kém khác ngoài SCB sau chuyển giao bắt buộc cũng còn nhiều lắng lo và trăn trở. Bởi theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém hiện mới chỉ xử lý được “phần nổi của tảng băng chìm”. Những yếu tố “gieo mầm” cho sự hình thành nên các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau,…vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bài học từ SCB là minh chứng rõ nét nhất cho hệ quả của sở hữu chéo không được kiểm soát chặt chẽ. Tiền thân của ngân hàng SCB là sự hợp nhất giữa ba ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng phần lớn cổ phần sau đó lại bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông lớn liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Chính sự chi phối quá mức này đã biến SCB thành một công cụ tài chính phục vụ cho lợi ích của cổ đông lớn, mà điển hình là các khoản vay khổng lồ phục vụ “sân sau” nhưng không có khả năng thu hồi.
Hệ lụy của sở hữu chéo không dừng lại ở một tổ chức mà còn tạo hiệu ứng dây chuyền tác động đến cả hệ thống. Nhìn rộng hơn, sở hữu chéo khiến rủi ro bị lan truyền qua các mối liên kết lợi ích trong ngành ngân hàng, gây mất an toàn hệ thống.
Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 đã phần nào đưa những cổ đông thân tín, tiềm ẩn lợi ích nhóm “ra ánh sáng” nhờ giảm tỉ lệ sở hữu của các cá nhân/tổ chức. Song, như luật sư Trương Thanh Đức nói, nhóm cổ đông vẫn có thể “lách luật” bằng nhiều cách, chẳng hạn như nhờ đứng tên hộ, để duy trì quyền kiểm soát “ẩn danh”.
Nếu không giải quyết được vấn đề này một cách triệt để, 5 ngân hàng yếu kém sau chuyển giao rất dễ trở thành một SCB thứ hai, thứ ba.
Cùng với đó, các ngân hàng này sẽ gặp phải vô vàn thách thức trong việc khắc phục nợ xấu, khôi phục niềm tin của khách hàng, tái cấu trúc hoạt động và giữ vững vị thế trên thị trường ngày càng cạnh tranh. Dẫu vậy, sự quyết tâm từ các cơ quan quản lý, sự cải thiện trong khung pháp lý, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống ngân hàng sẽ là “ngôi sao hy vọng” đưa các ngân hàng này trở lại ổn định và phát triển.
(VNF) - Cầu Máy Chai (Cầu Hoàng Gia) nối khu đô thị trên đảo Vũ Yên và quận Ngô Quyền với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng