Kiểm toán Nhà nước: 'Một số NH tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống'

Minh Anh - 03/07/2024 09:45 (GMT+7)

(VNF) - Kiểm toán Nhà nước cho biết: "Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống".

Thông tin này được Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại cuộc họp báo công bố Báo cáo tóm tắt Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023, kết quả theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 diễn ra vào chiều 2/7.

Một trong những vấn đề nóng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng được Kiểm toán Nhà nước đề cập đến là hiện tượng ngân hàng thương mại yếu kém, tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Thông qua kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra, giám sát, Kiểm toán Nhà nước cho biết: "một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống".

Chia sẻ rõ hơn về thông tin này tại họp báo, ông Vũ Văn Cường, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII, cho hay, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, còn ngân hàng tư nhân thì không thực hiện kiểm toán.

Nhưng qua việc kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán các cơ quan thanh tra, giám sát và các báo cáo của cơ quan thanh tra thì có nêu vấn đề một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng an toàn hệ thống.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước phản ánh, thông qua kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2023 cho hay, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm còn căng thẳng. Một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản hoặc cho vay đặc biệt với khối lượng tiền lớn.

Phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, gồm: Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank), còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này lỗ liên tục (dự kiến tổng quy mô khoản vay đặc biệt của 4 đơn vị là 168.000 tỷ đồng).

Đến tháng 8/2023, việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc nói trên mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc. Cùng đó, một ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.

Tình hình tài chính của các ngân hàng trên vẫn rất khó khăn. Cụ thể, nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và Dong A Bank.

Đối với các ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp, không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.

Yêu cầu khẩn trương chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, xử lý SCB

Yêu cầu khẩn trương chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, xử lý SCB

Ngân hàng
(VNF) - Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trong tháng 6 năm nay, xây dựng phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.