Thị trường

Sau thiếu điện, thiếu nước đe doạ Ấn Độ, Trung Quốc

(VNF) - Bên cạnh thiếu điện, tình trạng khan hiếm nước cũng có tác động không nhỏ lên các nền kinh tế lớn của châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.

Sau thiếu điện, thiếu nước đe doạ Ấn Độ, Trung Quốc

Chia sẻ với tờ CNCB, Arunabha Ghosh, Giám đốc điều hành của Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước cho biết châu Á cần đến một lượng nước dồi dào khi nó đang một trung tâm công nghiệp có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới.

“Không chỉ những ngành công nghiệp cũ như sản xuất thép mà cả những ngành mới hơn như sản xuất chip bán dẫn và sản xuất năng lượng sạch cũng cần đến một lượng nước khổng lồ”, ông nói.

Nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến sẽ vượt xa nguồn cung từ 40% đến 50% vào năm 2030. Tình trạng khan hiếm nước không chỉ đơn giản là vấn đề của ngành mà nó còn có sức ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. “Các nền kinh tế châu Á cần hành động để giảm thiểu rủi ro khan hiếm nước nhằm ngăn chặn các cú sốc kinh tế”, Arunabha Ghosh khẳng định.

Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng hơn. Ngân hàng thế giới cho biết, mặc dù chiếm 18% dân số thế giới nhưng Ấn Độ chỉ có đủ nguồn nước cho 4% dân số. Biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt và hạn hán khiến Ấn Độ trở thành quốc gia khan hiếm nước nhất trên thế giới.

Thiếu nước không chỉ là câu chuyện của riêng Ấn Độ. Khoảng 80% - 90% nguồn nước ngầm của Trung Quốc không phù hợp để sử dụng, trong khi một nửa số tầng nước ngầm ở quốc gia này cũng quá ô nhiễm để sử dụng cho công nghiệp và nông nghiệp. 50% nước sông của Trung Quốc cũng không thích hợp để uống và một nửa trong số đó cũng không an toàn cho nông nghiệp.

Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc sản xuất năng lượng sạch nhưng hệ thống điện của Trung Quốc vẫn chủ yếu phụ thuộc và than đá. Và nếu không có nước, các nhà máy điện than sẽ không thể hoạt động.

Đài Loan, quê hương của ngành công nghiệp bán dẫn lớn nhất châu Á cũng đang phải chối chọi với tình trạng thiếu nước. Cách đây chưa đầy 2 năm, Đài Loan đã phải chiến đấu với cuộc hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua. Đài Loan cần một lượng nước khổng lồ để cung cấp năng lượng cho các nhà máy và sản xuất chip bán dẫn.

“Đài Loan là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thủy điện và họ luôn phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc có nên tích trữ nước cho ngành công nghiệp bán dẫn hay nên xả nước cho thủy điện. Hạn hán và lũ lụt đều là những vấn đề nan giải đối với Đài Loan”, Shanshan Wang - lãnh đạo tại Công ty tư vấn bền vững Arup cho biết.

Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp cũng đang nhận thấy mối đe dọa từ thiếu nước. Sản lượng nông sản giảm đáng kể khiến an ninh lương thực sẽ gặp nhiều rủi ro hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp của Úc, giá trị sản xuất nông nghiệp dự kiến sẽ giảm 14%, xuống còn 79 tỷ đô la vào năm 2023 – 2024. Nguyên nhân là do điều kiện hạn hán kéo dài hơn dự kiến, làm giảm năng suất cây trồng ở mức kỷ lục trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2023.

Liên Hợp Quốc cảnh báo nhiệm vụ dự trữ nước mưa và tái chế nước thải đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần chú trọng đầu tư hơn nữa cho hệ thống năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió để giảm phụ thuộc vào nguồn nước cũng như giảm nhu cầu nước.

Tin mới lên