SCB dừng dịch vụ chuyển tiền qua Internet kể từ 12/12

Mai Anh - 11/12/2024 09:44 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tạm dừng cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua Internet (Internet Banking) dành cho khách hàng cá nhân từ ngày mai (12/12). Nhà băng này cũng giảm hạn mức chuyển tiền nhanh và hạn mức rút tiền.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa gửi thông báo tạm dừng dịch vụ Internet Banking qua website cho khách hàng cá nhân từ ngày 12/12.

Theo đó, từ 0h00 ngày 12/12/2024, khách hàng cá nhân sẽ không thể thực hiện giao dịch ngân hàng điện tử qua Internet Banking trên máy tính.

Giao dịch ngân hàng điện tử qua Internet Banking gồm: chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng; truy vấn, cập nhật thông tin tài khoản, số dư hiện có; thanh toán hóa đơn mua sắm, dịch vụ như mua vé máy bay, mua vé tàu, thanh toán hóa đơn điện nước, nạp tiền điện thoại cho thuê bao trả trước;... nộp thuế; mở tài khoản tiết kiệm online, tất toán tài khoản tiết kiệm.

Thay vào đó, nhà băng này khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ qua ứng dụng điện thoại, máy tính bảng, ứng dụng ngân hàng để thực hiện các giao dịch trực tuyến. Khách hàng cá nhân vẫn có thể thực hiện giao dịch trên ứng dụng di động của SCB (SCB Mobile Banking).

Ngân hàng SCB đồng thời lưu ý khách hàng cần sử dụng giấy tờ tùy thân là căn cước công dân có gắn chip để đăng ký và sử dụng dịch vụ này.

Nhà băng này cũng vừa cập nhật lại hạn mức giao dịch dành cho thẻ thanh toán cá nhân (bao gồm thẻ nội địa và thẻ quốc tế). Theo đó, từ ngày 6/12, hạn mức giao dịch tối đa là 50 triệu đồng/thẻ/ngày.

Thời gian gần đây, SCB liên tục điều chỉnh hạn mức giao dịch, từ mức hạn chế tối đa 200 triệu đồng/thẻ/ngày xuống 100 triệu đồng, 50 triệu đồng, 10 triệu đồng và hiện giờ là 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ khác của ngân hàng này cũng ngừng, như chính sách ưu đãi đặc quyền cho hội viên SCB Premier, xếp hạng hội viên mới...

Ngoài việc tạm ngừng một số dịch vụ, SCB còn liên tục đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch trên cả nước.

Đầu tháng 11, SCB đã đóng cửa 9 phòng giao dịch tại nhiều tỉnh, thành. Trong tháng 10, SCB đã chấm dứt hoạt động 11 phòng giao dịch.

Vào ngày 7/12, SCB tiếp tục chấm dứt hoạt động thêm một phòng giao dịch (Phòng giao dịch Lê Đức Thọ, Chi nhánh Hóc Môn, TPHCM), nâng tổng số phòng giao dịch bị chấm dứt hoạt động kể từ sau đại án Trương Mỹ Lan lên 139 phòng giao dịch.

SCB luôn khẳng định việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch sẽ không làm ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch chính thức khác của SCB.

SCB được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt từ ngày 15/10/2022. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện phương án xử lý đối với ngân hàng SCB trong tháng 12.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đang tích cực xử lý SCB với tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân liên quan tới ngân hàng này, có lộ trình phù hợp để không làm thất thoát tài sản.

'Đũa thần' xử lý nợ xấu hết hạn, sớm đột phá tái cơ cấu SCB

'Đũa thần' xử lý nợ xấu hết hạn, sớm đột phá tái cơ cấu SCB

Ngân hàng
(VNF) - Thông tư 02 về thí điểm cơ chế xử lý nợ xấu sắp hết hạn, Thủ tướng yêu cầu sớm có đột phá trong tái cơ cấu SCB, tăng trưởng tín dụng khả quan về địch 15%... là những thông tin quan trọng của lĩnh vực ngân hàng trong tuần qua.
Cùng chuyên mục
Tin khác