SCG sẵn sàng chia sẻ cổ phần để Lọc hóa dầu Long Sơn không còn là 'biểu tượng'

Hoàng Lan - 20/03/2018 10:29 (GMT+7)

(VNF) – Ông Roongrotex Rangsiyopash, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SCG nói rằng lễ khởi công Dự án hóa dầu Long Sơn hồi tháng 2/2018 chỉ mang ý nghĩa như "một biểu tượng". Ông Roongrotex cho biết các bên vẫn đang thảo luận về cơ cấu cổ phần của Long Sơn và hy vọng việc xây dựng có thể bắt đầu trong nửa cuối năm 2018.

VNF
Dự án Lọc hóa dầu Long Sơn vẫn đang trong quá trình thảo luận về cơ cấu cổ phần

SCG là chủ đầu tư của Dự án hoá dầu Long Sơn, tại xã Long Sơn, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Hiện, SCG nắm 71% vốn tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), 29% vốn còn lại thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Cuối tháng 2/2018, Dự án hóa dầu Long Sơn đã được khởi công sau 10 năm kể từ ngày giấy phép được cấp. Tuy nhiên, ông Roongrotex mới đây chia sẻ rằng lễ khởi công trên chỉ mang ý nghĩa như "một biểu tượng để khẳng định cam kết của chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương và của chính SCG".

Ông Roongrotex cho biết các bên vẫn đang thảo luận về cơ cấu cổ phần của Long Sơn và hy vọng việc xây dựng có thể bắt đầu trong 6 tháng cuối năm 2018.

Để thúc đẩy quá trình ra quyết định và đưa dự án vào triển khai trên thực tế, phía SCG đề xuất thành lập một công ty con thuộc sở hữu của tập đoàn. SCG cũng sẵn sàng mở cửa chào đón các nhà đầu tư mua lại cổ phần của Lọc hóa dầu Long Sơn, miễn là tập đoàn này sở hữu phần lớn cổ phần.

Mặc dù không tiết lộ thời gian cụ thể, nhưng ông Roongrotex cho biết các bên sẽ đạt được thỏa thuận trong một vài tháng tới.

Ông Roongrotex cũng nhấn mạnh rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng to lớn ở Việt Nam trong các doanh nghiệp hóa dầu. Dự án Long Sơn xây dựng khu phức hợp hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam có công suất dự kiến 1,5 triệu tấn etylen, propylen và olefin mỗi năm. Trong khi đó, tổng nhu cầu của Việt Nam hiện tại là 2,5 triệu tấn/năm và sẽ tăng lên 3,5 triệu tấn trong vài năm tới.

SCG là tập đoàn Thái Lan với lợi nhuận ròng năm 2017 khoảng 55,04 tỷ baht (1,73 tỷ USD), tập trung vào 3 lĩnh vực là xi măng-vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. SCG có hơn 200 công ty con tại Đông Nam Á, trong đó, 23 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 8.300 nhân viên.

Một trong những thương vụ đình đám tại Việt Nam là mua lại Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và mua 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá gần 5.000 tỷ đồng cuối năm 2012.

Theo Nikkei
Cùng chuyên mục
Tin khác