Nhân vật

Sếp HSBC nói gì về lợi thế cạnh tranh của ngân hàng nội với ngân hàng ngoại?

(VNF) - “Khoảng vài năm nữa, một số ngân hàng nội, đặc biệt là ngân hàng cổ phần lớn sẽ thay da đổi thịt và trở thành đối trọng trên thị trường”, ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định.

Sếp HSBC nói gì về lợi thế cạnh tranh của ngân hàng nội với ngân hàng ngoại?

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Hải là CEO người Việt đầu tiên được HSBC bổ nhiệm kể từ khi ngân hàng này có mặt tại Việt Nam vào năm 1870. Ông Hải được giới tài chính – ngân hàng biết đến như là “người buôn tiền số 1”. Gắn bó với HSBC hơn 20 năm kể từ khi là một sinh viên mới ra trường, ông Hải đã cùng HSBC vượt qua nhiều biến cố, những cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đặc biệt là trong những cơn bão khủng hoảng, ông Phạm Hồng Hải vẫn mang về nhiều “điệp vụ triệu USD” cho HSBC.

Là người trong cuộc, chứng kiến toàn bộ sự chuyển mình của ngành tài chính tại Việt Nam từ những năm cuối thập niên 90 đến nay, ông Phạm Hồng Hải dự đoán bức tranh ngân hàng trong thời gian tới: ”Khoảng vài năm nữa, một số ngân hàng nội, đặc biệt là ngân hàng cổ phần lớn sẽ thay da đổi thịt và trở thành đối trọng trên thị trường. Theo tôi, các ngân hàng nội và ngân hàng quy mô khu vực sẽ nắm vai trò quan trọng trên thị trường trong tương lai”.

Nói về lợi thế cạnh tranh của ngân hàng nội với ngân hàng ngoại, ông Hải cho rẳng: “Ngân hàng ngoại như HSBC có lợi thế cạnh tranh là mạng lưới toàn cầu rộng lớn khiến chúng tôi hiểu được cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Những doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam hay những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài đều qua ngân hàng ngoại do các ngân hàng này có thể kết nối hai bên đối tác trong nước và nước ngoài. Đây là thế mạnh mà ngân hàng nội khó cạnh tranh”.

Tuy nhiên, theo ông Hải, ngân hàng nội lại có mạng lưới trong nước rất rộng, phủ được nhiều phân khúc. “Tôi lấy ví dụ như hiện nay ở Việt Nam khoảng 90% số doanh nghiệp là vừa và nhỏ và đây là một trong những mảng khách hàng chính của các ngân hàng nội”.

“Tôi tin thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng hiện tại tăng trưởng vẫn chưa tương xứng. Nhìn vào tình hình Việt Nam, chúng ta thấy sự ổn định về kinh tế, cơ hội làm ăn đa dạng tại một nước đang phát triển đang có nhu cầu lớn về phát triển kinh tế, các nhà lập pháp khá cởi mở, có thiện chí muốn học hỏi và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiềm năng thị trường lớn như vậy và HSBC Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một trong những thị trường lớn của HSBC tại khu vực châu Á”, ông Hải nói thêm.

Nói về sự khốc liệt của ngành tài chính, ông Hải cho rằng: “Đặc điểm thị trường Việt Nam quen với mọi thứ khá ổn định và một số người nhìn nhận rủi ro khó xảy ra tại thị trường này. Những gì được chứng kiến từ cuộc khủng hoảng 97-98 giúp tôi trở nên thận trọng hơn, luôn nhìn thị trường theo hướng chuyển động để có thể đón nhận rủi ro và từ đó có sự chuẩn bị vững vàng khi đối mặt với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và những sự kiện khác sau này”.

Đề cập đến hàng loạt vấn đề “nóng” của ngành ngân hàng trong những năm qua, trong đó ngoài các vấn đề chuyên môn như nợ xấu, lợi nhuận, tăng trưởng thì còn có các đại án, rồi câu chuyện về các sai phạm trong hoạt động được phanh phui, ông Hải tiết lộ có 3 nguyên tắc mà ông luôn tuân thủ để đứng vững trước lằn ranh của sự đúng – sai vốn mong manh trong ngành tài chính.

Thứ nhất là “Làm việc gì mà mình không cảm thấy sợ hãi, xấu hổ nếu nhiều người biết. Một sự việc có thể đúng hoặc sai tùy theo cách nhìn của mỗi người và hoàn cảnh. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không có cơ hội giải thích cho tất cả mọi người. Do đó, tốt nhất chỉ nên làm điều đúng”.

Thứ hai là “Làm bất cứ việc gì tôi cũng hình dung ra nếu người khác cũng hành xử như vậy với mình thì mình sẽ cảm thấy thế nào. Nếu tôi cảm thấy khó chịu khi bị đối xử như vậy thì chắc chắn tôi không nên làm điều đó với người khác”.

Cuối cùng, ông Hải chia sẽ khi làm bất cứ việc gì, quy tắc của ông là “không để quan hệ cá nhân, cảm tính xen vào khi ra quyết định”.

“Tôi luôn đặt lợi ích của tổ chức lên trước. Tất cả đều được đặt dưới lăng kính: Làm thế nào để có lợi nhất cho tổ chức”, CEO HSBC nhấn mạnh.

Tin mới lên