'Siêu thành phố' NEOM của Arab Saudi: Taxi bay, mặt trăng nhân tạo, thú robot và hơn thế nữa

Thanh Tú - 06/12/2019 11:54 (GMT+7)

(VNF) - 2019 được xem là năm bản lề của hành trình phát triển “siêu thành phố” NEOM, một dự án của Arab Saudi trị giá tới 500 tỷ USD với quy mô bằng 33 lần thành phố New York của Mỹ.

VNF
“Siêu thành phố” NEOM là một dự án của Arab Saudi trị giá tới 500 tỷ USD.

Truyền thông Trung Đông hồi đầu năm đưa tin Arab Saudi sẽ bắt đầu xây dựng các khu vực đô thị đầu tiên trong dự án phát triển “siêu thành phố” NEOM trị giá khoảng 500 tỷ USD.

Neom là từ ghép của “neos” (trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là “mới”) và “mustaqbal” (trong tiếng Ả-Rập có nghĩa là “tương lai”), muốn nói đến tương lai mới của Arab Saudi.

Theo Business Insider, thành phố tương lai NEOM sẽ có 16 quận được quy hoạch trên bờ biển đỏ tỉnh Tabuk. Với tổng diện tích lên tới 26.500 km2, gấp 33 lần thành phố New York của Mỹ và 37 lần Singapore.

Thái tử Mohammed bin Salman là người đứng đầu Ủy ban phát triển thành phố tương lai NOEM.

Khu vực này có địa hình sa mạc, vốn rất cằn cỗi. Tuy nhiên Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman muốn biến vùng đất hoang vu này trở thành thành phố thông minh, đáng sống nhất thế giới.

Thái tử Muhammad bin Salman cho biết, thành phố sẽ là nơi sinh sống của hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu người. Trong thành phố sẽ có ô tô, taxi tự động, hệ thống tàu siêu tốc Hyperloop, taxi bay, liên kết Arab Saudi với toàn thế giới.

“Họ sẽ bay trên những chiếc taxi bay không người lái đến nơi làm việc, trong khi robot dọn dẹp nhà cửa. Thành phố này sẽ thay thế Thung lũng Silicon về công nghệ, Hollywood trong giải trí và French Riviera là nơi để nghỉ mát. Thành phố sẽ xây dựng một dự án chỉnh sửa gen để làm cho mọi người trở nên mạnh mẽ hơn”, vị Thái tử cho biết.

NEOM sẽ được thắp sáng vào ban đêm nhờ mặt trăng nhân tạo.

Dự án NEOM là một phần của dự án Tầm nhìn 2030, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa Arab Saudi lên tầm cao mới, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, bên cạnh đó xây dựng quốc gia này thành một trung tâm công nghệ.

Ủy ban phát triển thành phố này, do Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu, đã thông qua kế hoạch tổng thể của khu đô thị đầu tiên NEOM Bay nằm trong dự án, bao gồm hệ thống nhà ở, các cơ sở du lịch và trung tâm phát triển sáng tạo.

Kế hoạch phát triển khu đô thị này sẽ tập trung vào phong cách sống hạng sang và bao gồm các khách sạn và khu biệt thự cao cấp nhằm hướng tới các đối tượng khách hàng khu vực và quốc tế.

NEOM sẽ xây dựng công viên có các loài thú robot.

Bên cạnh đó, NEOM Bay sẽ được trang bị các công nghệ thế hệ mới, tạo ra một hệ sinh thái đô thị thông minh với cơ sở hạ tầng tiên tiến. Quá trình chuẩn bị và bắt đầu xây dựng đô thị này đã diễn ra trong quý I năm nay và giai đoạn 1 của NEOM Bay sẽ được hoàn tất vào năm 2020.

Dự án NEOM cũng sẽ bao gồm các đô thị kinh doanh khác, được xây dựng theo từng năm, bắt đầu khởi động từ năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Thành phố này sẽ dùng công nghệ "gieo hạt trong đám mây" (Cloud seeding) để tạo các đám mây nhân tạo cho ra lượng mưa nhiều hơn bình thường tưới mát vùng sa mạc khô cằn.

Người dân tại NOEM sẽ dùng ôtô bay là phương tiện giao thông quan trọng.

NEOM sẽ xây dựng công viên có các loài thú robot, vào ban đêm, thành phố được mặt trăng nhân tạo chiếu sáng. Trong tương lai sẽ có cả mặt trời nhân tạo.

Giáo dục trong thành phố NEOM cũng hoàn toàn khác với các thành phố khác trên thế giới. Các học sinh sẽ có thể tiếp cận các công nghệ nhất thế giới như mạng 5G và 6G, robot, máy chiếu toàn ảnh, siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, giao diện não người – máy tính.

Cư dân thành phố NEOM sẽ sống trong những ngôi nhà sinh thái và thông minh, được cung cấp năng lượng bởi các công viên mặt trời và trang trại gió.

Cư dân thành phố NEOM sẽ sống trong những ngôi nhà sinh thái và thông minh.

Theo một số nhà phân tích, để trở thành một trung tâm quốc tế, NEOM cần mang đến điều gì đó tốt hơn Dubai, và đây không phải là một điều dễ dàng.

Thái tử Mohammed phát tín hiệu rằng ông hiểu thách thức đó. "Mơ thì dễ, làm mới khó", ông nói.

Kể từ khi ông Mohammed trở thành thái tử, chính phủ Arab Saudi đã cắt giảm các khoản trợ cấp, cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách, và dự kiến sẽ đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) vào năm tới để tăng nguồn thu ngoài dầu mỏ.

Xem thêm >> Hạ viện chuyển sang giai đoạn luận tội, ông Trump tự tin 'chúng tôi sẽ chiến thắng'

Cùng chuyên mục
Tin khác