Tiêu điểm

'Số phận' 51 dự án lãng phí vốn Nhà nước và 13 dự án chậm tiến độ của 'ông lớn' điện, than và dầu khí

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 74/2022 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

'Số phận' 51 dự án lãng phí vốn Nhà nước và 13 dự án chậm tiến độ của 'ông lớn' điện, than và dầu khí

Số phận dự án dùng vốn công ra sao?

Theo con số được Chính phủ đưa ra, trong 18 nhiệm vụ được đưa ra tại Nghị quyết 74, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, trong đó có xây dựng chính sách, pháp luật và hệ thống quy định chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhiều nhiệm vụ của Nghị quyết đã được thực hiện và có số liệu minh chứng, trong đó nhiệm vụ thứ 9 liên quan đến vấn đề làm rõ trách nhiệm các dự án chậm tiến độ, sử dụng vốn nhà nước kém hiệu quả, lãng phí.

Một dự án điện tại phía Nam bị chậm tiến độ, lùi thời hạn vận hành (Ảnh: Bộ Công Thương).

Theo Chính phủ, qua theo dõi, Chính phủ cho biết sẽ làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn Nhà nước khác không hiệu quả, lãng phí.

Đáng nói có 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ, 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hoá, lãng phí, 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Theo báo cáo, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, phân loại làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án không hiệu quả, lãng phí, chậm tiến độ, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng nêu tại Nghị quyết.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án tránh thất thoát, lãng phí.

Đối với 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước không hiệu quả, lãng phí có khoảng 16/51 dự án, chiếm khoảng 30% tổng dự án nói trên được xử lý. Trong đó, có 8 dự án khắc phục tồn tại và đưa vào hoành động; 1 dự án đã thực hiện thu hồi, thanh lý tài sản, 1 dự án gia hạn tiến độ thực hiện, 4 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, 2 dự án đơn vị thực hiện bàn giao cho đơn vị khác sử dụng, các dự án khác đang rà soát, xem xét xử lý theo quy định.

Đối với 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực điện, than và dầu khí chậm tiến đô, Chính phủ cho biết có 1 dự án đang triển khai thực hiện, các dự án khác đang rà soát, xử lý.

Đối với 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai, hoang hoá, lãng phí, Chính phủ cho biết đang triển khai thực hiện 2 dự án, gia hạn đối với 3 dự án, chấm dứt 2 dự án, còn lại đang rà soát, xem xét xử lý.

Đối với hơn 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, Chính phủ cho biết đã chấm dứt hơn 22 dự án, thu hồi đát 126 dự án, gia hạn tiến độ 93 dự án, rà soát thu hồi đất 25 dự án, điều chỉnh 10 dự án, đưa vào hoạt động 41 dự án, còn lại đang rà soát, xử lý.

Cũng liên quan đến các dự án quan trọng cấp quốc gia, Chính phủ cho biết hiện có khoảng 143 dự án theo hình thức BT (Xây dựng - chuyển giao thuộc Hợp tác công tư của PPP) đang triển khai trên cả nước, Chính phủ đã phân loại 3 nhóm vướng mắc và đề xuất phương án xử lý từng nhóm vấn đề.

Thực hiện kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về nguyên tắc giải pháp tổng thể xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, bất cập đối với 8 dự án do Bộ này quản lý.

Trong đó, có bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng, tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án. Sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 3/8 dự án BOT còn lại. Chính phủ cho hay, dự án tổng mức vốn nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT ngành giao thông lên đến hơn 10.300 tỷ đồng.

Tin mới lên