Sơn Hải Phòng: Vay nợ 580 tỷ đồng, gấp 7 lần vốn góp chủ sở hữu

Nguyễn Kim - 03/04/2024 22:18 (GMT+7)

(VNF) - Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng (HPP) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt gần 93 tỷ đồng, tăng 282% so với năm tài chính 2022. Bên cạnh đó, Sơn Hải Phòng cũng ghi nhận phải nộp ngân sách hơn 7 tỷ đồng, phải trả người lao động 12,3 tỷ đồng.

VNF

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, doanh thu thuần về bán hàng đạt gần 1.216 tỷ tổng, giảm nhẹ 1 tỷ so với năm tài chính 2022. Cùng với đó, giá vốn hàng bán đạt hơn 977 tỷ đồng, giảm hơn 74 tỷ đồng so với năm trước đó.

Lợi nhuận trước thuế đạt 102 tỷ đồng, tăng 256% so với cùng kỳ năm 2022. Được biết, Sơn Hải Phòng đã đạt 98,5% kế hoạch về doanh thu và 151 % kế hoạch về lợi nhuận.

Năm 2023, Sơn Hải Phòng ghi nhận lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 11.343 đồng/cổ phần, trong khi năm 2022 chỉ đạt 3.000 đồng/cổ phần. Cùng với đó, hệ số thanh toán nhanh năm 2023 đạt 0,98 lần.

Tại ngày 31/12/2023, Sơn Hải Phòng ghi nhận tổng tài sản đạt 1.219 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Bao gồm: 884 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 334 tỷ đồng tài sản dài hạn.

Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2023, tiền mặt và các khoản tiền gửi tại ngân hàng đạt gần 110 tỷ đồng, tăng 211% so với đầu năm 2023. Ngoài ra, Sơn Hải Phòng còn nắm giữ 13 tỷ đồng trái phiếu dài hạn và danh mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khác lên đến gần 176 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính 2023, Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng đang đầu tư tài chính dài hạn vào 10 công ty, trong đó vốn nắm giữ tại công ty TNHH Sơn Samhwa 50%, công ty cổ phần tập đoàn VLC là 56,28%...

Đáng chú ý là Sơn Hải Phòng ghi nhận phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 245 tỷ đồng. Trong đó, phải thu từ Sơn Samhwa Hải Phòng là 45 tỷ đồng, Sơn Quang Huy là 21,8 tỷ và hơn 178 tỷ đồng các đối tác khác.

Thêm nữa, Sơn Hải Phòng ghi nhận nhiều đối tác quá hạn thanh toán như công ty tàu thuỷ Bến Kiền, công ty cổ phần MLS, công ty Lilama 5… tổng nợ xấu lên đến gần 5 tỷ đồng.

Cuối năm 2023, Sơn Hải Phòng có dư nợ vay đạt gần 580 tỷ đồng, tức là hơn 7 lần vốn góp của chủ sở hữu.

Ngoài ra, Sơn Hải Phòng cũng ghi nhận phải nộp thuế và NSNN hơn 7 tỷ đồng, phải trả người lao động 12,3 tỷ đồng, phải nộp kinh phí công đoàn gần 500 triệu đồng.

Được biết, năm 2023, Sơn Hải Phòng chi phí nhân viên và chi phí nhân viên quản lý là  39,6 tỷ đồng. Trong khi đó, cuối năm 2023, Sơn Hải Phòng ghi nhận phải trả người lao động 12,3 tỷ đồng, tương đương công ty sẽ phải trả nguời lao động 3,7 tháng lương bình quân năm 2023.

Bất ngờ hơn là Quỹ khen thưởng và phúc lợi của Sơn Hải Phòng đang là âm 12 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là âm 7,4 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Sơn Hải Phòng sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 24/4/2024 sắp tới. Công ty dự kiến năm 2024 doanh thu thuần đạt 1.180 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 100 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả thực hiện năm 2023. Ngoài ra, Sơn Hải Phòng dự kiến chia cổ tức năm 2024 là 30%, tương đương so với năm 2023.

Theo kế hoạch, Công ty dự kiến mua đất, đầu tư máy móc thiết bị gần 50 tỷ đồng và chuẩn bị phương án xây dựng nhà máy sản xuất nhựa tổng hợp, nhà máy sản xuất sơn tấm lợp tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với mức đầu tư dự kiiến từ 200-250 tỷ đồng. Cùng với đó, Công ty sẽ thực hiện phương án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu với mức đầu tư từ 150-200 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng được thành lập từ năm 1960 với tên gọi ban đầu là Xí nghiệp Sơn dầu Hải Phòng. Đến năm 2003, UBND thành phố quyết định chuyển Công ty Sơn Hải Phòng thành Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng. Cuối năm 2023, công ty có vốn góp của chủ sở hữu là 80 tỷ đồng; quỹ đầu tư phát triển là 285 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 96 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác