Sốt ruột chờ nới room tín dụng

Thanh Xuân - 30/08/2022 07:55 (GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước dự kiến trong tuần này sẽ thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng đến các ngân hàng. Hơn 457.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng mới được mong đợi bổ sung đưa ra thị trường vào những tháng cuối năm.

VNF
Nhiều ngân hàng chờ đợi được tăng hạn mức tín dụng để cho khách hàng vay. Ảnh: NGỌC THẮNG

Chờ mở room “dài cổ”

Trước thông tin chậm nhất trong tuần này sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khảo sát của chúng tôi sáng ngày 29/8 ở nhiều ngân hàng (NH) thương mại cho thấy hầu hết vẫn đang chờ đợi, còn hạn mức tín dụng thì đã cạn từ nhiều tháng nay.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), bày tỏ vui mừng khi NHNN lên tiếng việc cấp hạn mức tín dụng cho các NH trong tuần này. Ông Tùng hy vọng OCB cũng nhận được mức cấp hạn mức bổ sung để nhanh chóng cho khách hàng vay.

Trong những tháng qua, trước bối cảnh hạn mức tín dụng gần chạm tỷ lệ được duyệt đầu năm, OCB cũng như các NH khác đành bóc ngắn cắn dài, chờ khách hàng vay cũ trả nợ rồi cho vay mới. Hiện nay nhiều khách hàng cũ đang có nhu cầu vay thêm nên trong trường hợp NHNN bổ sung nới room, NH sẽ giải quyết cho những hợp đồng này, đồng thời, giải ngân cho vay đối với những khách hàng thuộc nhóm ưu tiên hỗ trợ lãi suất 2%.

Ban lãnh đạo các NH khác cùng tâm trạng ngóng chờ thông tin chính thức từ phía nhà điều hành sau gần 5 tháng xin nới room. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần có trụ sở tại TP. HCM thừa nhận chờ “dài cổ” việc được cấp tín dụng. Room tín dụng mà NH xin thì nhiều nhưng với tình hình kiểm soát lạm phát, NH khả năng sẽ nhận ít hơn so với mức xin. Dù vậy, ông vẫn hy vọng rằng trong tuần này NHNN sẽ cấp thêm hạn mức mới để “cày” 4 tháng cuối năm.

Không những NH, khách hàng đang có nhu cầu vay hiện nay cũng mừng trước việc tín dụng được nới room. Anh Nguyễn Sơn (Q.2, TP. HCM) vừa hoàn tất hồ sơ vay 20 tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh nhôm. Hồ sơ đã được NH thông qua nhưng thông báo qua tháng 9 mới có thể giải ngân. Các đợt giản ngân theo từng lần. Phía nhân viên NH cũng cho biết phải chờ thu hồi nợ cũ thì mới giải ngân nợ mới. Anh Sơn hy vọng NH sớm có thêm hạn mức tín dụng, lúc này NH sớm giải ngân cho khách hàng hoặc làm đúng theo dự kiến mà không gặp phải bất trắc nào. Chính vì vay khó nên lãi suất vay hiện nay cũng đã cao hơn trước 1%/năm.

457.000 tỷ đồng tín dụng mới 

Dữ liệu từ NHNN, tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỉ đồng, tăng 9,62%, mức tăng này khá cao so với cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 6,68%. Như vậy trong vòng 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.000 tỷ đồng.

Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, NHNN đã phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng NH trên 2 tiêu chí. Đó là kết quả xếp hạng từng NH theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018 gồm vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường. Đồng thời, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí NH tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các NH trong quá trình phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH.

Với những tiêu chí đánh giá như trên để xem xét mở room tín dụng, những cái tên sáng giá trong đợt cấp tín dụng mới gồm Vietcombank, MB, BIDV, VietinBank, ACB, VPBank... Một số NH tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc như HDBank, LienVietPostBank… cũng nằm trong danh sách NH tiềm năng được bổ sung room tín dụng lần này.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng nếu chờ đợi đến quý IV mới nới room tín dụng là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Bởi nếu không khơi thông sớm dòng vốn tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế, điều này là nguy hiểm và gây nên tình trạng nợ xấu cho NH. Nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác