SSI kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ đầu tư sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam trong năm 2022

Thanh Long - 08/01/2022 18:57 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2022, với xu hướng chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới có sự phân kỳ, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn được đánh giá là triển vọng tích cực, SSI kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ đầu tư sẽ quay trở lại thị trường.

VNF
SSI kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ đầu tư sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam trong năm 2022

Trong báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI cho biết dòng tiền từ các quỹ ETF không có nhiều khởi sắc trong tháng 12. Giao dịch ETF khá mờ nhạt khi hầu hết các quỹ giao dịch ghi nhận thanh khoản thấp. Nhìn chung, nhóm quỹ nội có xu hướng tích cực hơn với SSIAM VNFIN Lead (mua ròng 142 tỷ đồng) và VFM VN30 (mua ròng 87 tỷ đồng) được mua ròng nhiều nhất. Trong khi đó, các quỹ ngoại đều bị bán ròng, nhiều nhất là VanEck (bán ròng 240 tỷ đồng), FTSE Vietnam (bán ròng 153 tỷ đồng). Tổng cộng, dòng vốn ETF bị rút 280 tỷ đồng trong tháng 12.

Tính chung cả năm 2021, các quỹ ETF vẫn ghi nhận dòng vốn tích cực với giá trị ròng kỷ lục 13.460 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2020. Dòng tiền từ quỹ ETF chủ yếu sôi động trong 6 tháng đầu năm với sự đóng góp lớn từ quỹ ngoại mới Fubon ETF (Đài Loan) và quỹ nội Diamond ETF.

Trong khi đó, dòng tiền từ các quỹ chủ động đảo chiều trong tháng 12. Các quỹ chủ động liên tục mua ròng nhẹ trong 3 tuần cuối của tháng 12 (khoảng 330 tỷ đồng).  Tính chung tháng 12, các quỹ chủ động đã mua ròng 86 tỷ đồng sau gần 1 năm bán ròng liên tục. 2021 không phải là một năm giao dịch tích cực của quỹ chủ động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi họ đã rút ròng tổng cộng 6,9 nghìn tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên giá trị giảm mạnh so với tháng trước. Cụ thể, trong tháng 12, khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ 5 liên tiếp với với tổng giá trị là 4.920 tỷ đồng, giảm 44,7% so với tháng 11. Tổng lượng bán ròng trong năm 2021 là 62,6 nghìn tỷ đồng, trong đó tháng 3 và tháng 5 là 2 tháng ghi nhận mức bán ròng cao nhất (11,5 nghìn tỷ đồng).

Trong năm 2021, trái ngược với sự tham gia bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân trong nước, xu hướng chủ đạo của khối ngoại trên thị trường chứng khoán là bán ròng. Tỷ trọng giao dịch nước ngoài trên tổng số giao dịch của thị trường đã liên tục giảm mạnh, hiện chỉ ở khoảng 6% thanh khoản thị trường – so với mức gần 20% trong giai đoạn cuối 2017 – đầu 2018.

Theo SSI, một trong những lý do chính và mang tính chất cấu trúc là tỷ trọng các nhóm ngành trong thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đa dạng và bị giới hạn về sở hữu nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản, trong khi những ngành thu hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục không có nhiều chọn và bị giới hạn sở hữu nước ngoài.

Bên cạnh đó, 2021 cũng là năm thành công của thị trường cổ phiếu toàn cầu khi hầu hết các chỉ số chứng khoán (ngoài trừ Trung Quốc và Hong Kong) đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt đỉnh và khiến dòng vốn vào Việt Nam gặp nhiều cạnh tranh hơn.

"Sang năm 2022, với xu hướng chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới có sự phân kỳ, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là triển vọng tích cực, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ đầu tư sẽ quay trở lại, đặc biệt là các quỹ ETF. Bên cạnh đó, việc triển khai T+0 và mô hình bù trừ thanh toán trung tâm - CCP dự kiến cũng sẽ là các yếu tố chính thúc đẩy thị trường trong năm 2022", nhóm chuyên gia của SSI nêu quan điểm.

Theo kịch bản khả quan, việc triển khai T+0 và CCP có thể hỗ trợ cho khả năng nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell Index được công bố vào tháng 9/2022.

Cùng chuyên mục
Tin khác