Startup khách sạn OYO Hotels gặp khó ở Mỹ

Khánh Chi - 26/04/2020 08:42 (GMT+7)

(VNF) - Tháng trước, các nhà quản lý California đã phạt Oyo khoảng 200.000 USD vì đã cung cấp và vận hành hàng chục khách sạn nhượng quyền mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.

VNF
Người đi bộ đi ngang qua một khách sạn Oyo ở Tokyo, một trong số khoảng 200 khách sạn ở Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Vào tháng 4/2019, Ritesh Agarwal, một doanh nhân Ấn Độ 25 tuổi, đứng trước một hội trường đông đúc tại một trong những triển lãm thương mại khách sạn lớn nhất của Mỹ ở San Diego mang đến một thỏa thuận đáng kinh ngạc. Startup của Agarwal, OYO Hotels, vừa ra mắt tại Mỹ và đang tìm cách đạt được sự hợp tác từ các chủ khách sạn độc lập ở Bờ Tây.

Để đổi lấy việc đặt lại thương hiệu cho các chủ khách sạn dưới tên Oyo, chủ sở hữu khách sạn sẽ được hưởng lợi ích là một cuộc cải tổ lớn các tài sản, cùng với doanh thu được đảm bảo. Sau khi Oyo lên danh sách các địa điểm mới và đã được cải tổ lên trang web trực tuyến, công ty tuyên bố giá đặt phòng có thể tăng tới 60%. Nghe có vẻ khó tin.

Kamalesh Patel, một chủ nhà trọ có trụ sở tại Santa Cruz, California, đã tham dự hội nghị và thông qua lời đề nghị của Oyo.

Nhà sáng lập Oyo - Agarwal, hiện 26 tuổi, đã tìm được rất nhiều người tham gia khác. Vào cuối năm 2019, hơn một chục chủ khách sạn ở California đã đồng ý đổi thương hiệu cho các tòa nhà của họ dưới tên Oyo.

Nhà sáng lập Oyo - Ritesh Agarwal phát biểu tại hội nghị SoftBank World 2019.

Mặc dù khá xa lạ với nhiều người Mỹ, Oyo là chuỗi khách sạn lớn thứ hai thế giới với hơn 1 triệu phòng trong khoảng 43.000 khách sạn, chủ yếu ở châu Á. Giống như ngôi sao sáng trong ngành cung cấp dịch vụ cho thuê văn phòng WeWork, Oyo đã phát triển với "tốc độ ánh sáng" và được đánh giá là mang tinh thần khởi nghiệp của Thung lũng Silicon. Oyo đã huy động được 3,1 tỷ USD từ những người ủng hộ mạnh mẽ bao gồm Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) của SoftBank và các công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia và Lightspeed Venture Partners. Vào tháng 7/2019, công ty đã đạt mức định giá 10 tỷ USD.

Nhưng Agarwal đã không nhắc tới một thông tin quan trọng từ cuộc nói chuyện ở San Diego và các sự kiện tương tự trên toàn tiểu bang: Oyo không được phê duyệt để điều hành các doanh nghiệp nhượng quyền ở California.

Tháng trước, các nhà quản lý California đã phạt Oyo khoảng 200.000 USD vì đã cung cấp và vận hành hàng chục khách sạn nhượng quyền mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Oyo, điều hành khoảng 350 khách sạn ở Mỹ, cũng đã nhận được lệnh ngừng hoạt động từ tiểu bang Washington, nơi các nhà quản lý nhận thấy Oyo đã cung cấp dịch vụ cho hơn 30 khách sạn mà chưa được chấp thuận.

Văn phòng tư pháp Maryland Attorney General cũng đang điều tra Oyo, những người quen thuộc với vấn đề này đã nói với Forbes; một người gần gũi với Oyo xác nhận công ty biết về các cuộc điều tra khác (người phát ngôn của Văn phòng tư pháp Maryland Attorney General, nơi xử lý đăng ký nhượng quyền thương mại, cho biết văn phòng không xác nhận cũng không phủ nhận cuộc thăm dò).

Phát ngôn viên của Oyo cho biết công ty đã không đồng ý với quyết định của California và đang kháng cáo. Công ty đã đạt được thỏa thuận với tiểu bang Washington, đồng thời công ty không thừa nhận hoặc từ chối các yêu cầu bồi thường của bang. Oyo cũng từ chối bình luận về cuộc điều tra của Maryland.

Nó có vẻ giống như một củ khoai tây nhỏ và khoản tiền phạt 200.000 USD cũng không thấm vào đâu với một công ty đã đạt doanh thu 951 triệu USD vào năm ngoái. Nhưng đây có thể là dấu hiệu cho thấy mô hình đi nhanh và lỏng lẻo của người sáng lập Agarwal.

Oyo phải đối mặt với sự giám sát vì cố tình giữ lại các khoản thanh toán cho chủ khách sạn để buộc họ phải đàm phán lại các hợp đồng không có lợi, theo báo cáo của New York Times. Ấn phẩm này cũng nhấn mạnh những lo ngại rằng các nhân viên của Oyo đã phải chịu áp lực rất lớn để đáp ứng các mục tiêu. 

Oyo giữ quan điểm là một công ty công nghệ và khách sạn, không phải là một công ty nhượng quyền, và do đó, không cần sự chấp thuận của nhà nước để vận hành các khách sạn dưới thương hiệu của mình. Thay vào đó, các hợp đồng của công ty vượt qua sự cần thiết phải tìm kiếm sự chấp thuận từ các tiểu bang và tránh tiết lộ dài dòng về tài chính của mình cho các khách hàng tiềm năng.

"Oyo là một công ty thế hệ mới", người phát ngôn của công ty nói trong một tuyên bố, khi trả lời Forbes về các hành động pháp lý. "Đề xuất độc đáo về mô hình quản lý doanh thu và quản lý doanh thu của Oyo đi ngược hoàn toàn với các hoạt động nhượng quyền thương mại truyền thống".

Vào tháng 3/2020, các nhà điều tra của Phòng Giám sát Kinh doanh California đã xác định rằng Oyo đã cung cấp dịch vụ nhượng quyền thương mại mà không có sự chấp thuận của nhà nước. Họ đã ban hành một hình phạt 202.500 USD, mức tối đa có thể bị đánh thuế.

Các hành động của bang Cali đối với Oyo đã đặt ra câu hỏi về khả năng mở rộng quy mô hoạt động của Oyo tại Mỹ ngay cả khi không có tác động của COVID-19 đối với ngành du lịch. Và việc tuân thủ các quy định của địa phương gợi nhớ đến ứng dụng gọi xe Uber, một khoản đầu tư "ốc độ nhanh và phá vỡ mọi quy tắc” của SoftBank.

Ý tưởng hình thành Oyo đã đến với Agarwal sau khi anh bỏ học đại học và đeo ba lô du lịch khắp Ấn Độ. Sau khi ra mắt công ty vào năm 2013 ở tuổi 19, Agarwal đã đưa Oyo tới hơn 80 quốc gia với 30.000 nhân viên, và Agarwal, một cựu ứng viên của Forbes Under 30, trở thành trong những doanh nhân khởi nghiệp nổi tiếng nhất Ấn Độ.

Năm 2015, Agarwal đã thu hút sự chú ý của tỷ phú Masayoshi Son - CEO tập đoàn công nghệ SoftBank. Nhà đầu tư đã thúc giục anh ta hãy ước mơ lớn hơn - đó cũng là lời khuyên mà Son dành WeWork và người đồng sáng lập Adam Neumann. Giờ đây, Quỹ Tầm nhìn trị giá 100 tỷ USD của Softbank đã dẫn đầu vòng tài trợ trị giá 1 tỷ USD vào Oyo. Theo sau đó là các đại gia tại Thung lũng Silicon như Sequoia và Lightspeed Venture Partners cũng ủng hộ công ty Agarwal trước khi ra mắt tại Mỹ vào tháng 2/2019.

Giống như tất cả các chủ khách sạn, Oyo cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Khi đại dịch xảy ra, Oyo đã sa thải ít nhất 5.000 nhân viên ở Trung Quốc và Ấn Độ, những thị trường mà Oyo có thể không tạo ra lợi nhuận cho đến năm 2022, theo một báo cáo trích dẫn số liệu nội bộ. Trong tháng này, Agarwal nói rằng doanh thu toàn cầu đã giảm xuống 50 đến 60%. Tại Mỹ, Oyo đã sa thải khoảng 500 nhân viên, trong khi đóng cửa 15 khách sạn.

Ở Santa Cruz, chủ nhà trọ Patel nói rằng anh ta đã ngừng đàm phán với Oyo vào mùa hè năm ngoái về việc startup này khăng khăng đòi kiểm soát việc đặt thẻ tín dụng của anh ta.

Cách thức hoạt động của Oyo là đặc thù. Trong các thỏa thuận nhượng quyền, người nhượng quyền được Ủy ban Thương mại Liên bang yêu cầu cung cấp cho chủ khách sạn một tài liệu được gọi là tài liệu công bố nhượng quyền thương mại thống nhất, hoặc FDD, trong đó có một ảnh chụp nhanh về sức khỏe tài chính của công ty. Ở California, Washington và 12 tiểu bang khác, dịch vụ nhượng quyền thương mại phải nhận được sự chấp thuận của tiểu bang.

Trong khi đó, Oyo đã tạo ra một hợp đồng riêng mà họ gọi là thỏa thuận quản lý doanh thu. Theo một bản sao hợp đồng mà Forbes có được, Oyo không đề cập đến việc cung cấp nhượng quyền thương mại, mặc dù xác định rằng Oyo sẽ tiếp quản các giao dịch thẻ tín dụng, đặt giá phòng và đổi lại thương hiệu cho khách sạn. 

Như thể lường trước những khó khăn về quy định, Oyo đã tìm kiếm sự chấp thuận từ California vào tháng 8/2019 để cung cấp nhượng quyền thương mại ngay cả khi đã ký kết với các chủ khách sạn. Nhưng đơn yêu cầu của Oyo vẫn đang chờ xử lý và vào tháng 3/2020, các nhà điều tra của Bộ Kinh doanh Giám sát California xác định rằng Oyo đã cung cấp nhượng quyền thương mại mà không có sự chấp thuận của nhà nước. 

Theo báo cáo của tiểu bang, Oyo cung cấp cơ hội nhượng quyền bất hợp pháp cho ít nhất 63 chủ khách sạn - 18 trong số đó cuối cùng đã có đăng ký kinh doanh - từ tháng 5 đến tháng 12/2019. 

Mặc dù Oyo đã có những động thái tốt khi ứng phó với dịch COVID-19 - cung cấp phòng miễn phí cho nhân viên y tế ở Mỹ và lập một quỹ cứu trợ cho các chủ khách sạn -  đã sử dụng các lệnh cảnh cáo như là lý do để sa thải nhân viên. Ba cựu nhân viên bán hàng của Oyo nói với Forbes rằng họ nằm trong số 100 nhân viên gần đây đã nghỉ việc vì hoạt động kém hiệu quả khi không thể không thể bán các dịch vụ nhượng quyền ở California và Washington do các hành động pháp lý. Sau đó, họ nói rằng họ được yêu cầu ký các thỏa thuận không tiết lộ để đổi lấy một tuần thôi việc và một tháng bảo hiểm y tế.

Các khoản thanh toán thôi việc như vậy trái ngược hoàn toàn với những gì Agarwal nói với Fortune Ấn Độ vào tháng trước, khi ông nói rằng Oyo đã trả ba đến tám tháng lương thôi việc cho các nhân viên bị sa thải. 

Oyo nói rằng toàn bộ ngành công nghiệp đang sa thải nhân viên. "Trên thực tế, nhiều đối thủ cạnh tranh của chúng tôi đã hành động sớm hơn vài tuần so với chúng tôi và trong một số trường hợp còn hành động mạnh mẽ hơn", một người phát ngôn của Oyo nói.

Trong khi đó, Oyo đang phụ thuộc vào nhu cầu của cơ quan quản lý. Công ty cho biết, họ chuyển sang cung cấp các hợp đồng bao gồm các thỏa thuận nhượng quyền thương mại và đang dần loại bỏ các hoạt động về doanh thu được đảm bảo cho các chủ sở hữu. Điều này sẽ làm hài lòng hầu hết các tiểu bang, nhưng đối với những quốc gia cần phê duyệt, chẳng hạn như các câu hỏi của New York, California và Washington mở ra một lộ trình để thăm dò kỹ hơn mô hình kinh doanh và thông tin của công ty. 

Oyo Hotels gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 7/2019. Theo giới thiệu của đơn vị này, khởi đầu với hơn 90 khách sạn nhượng quyền trải dài tại 6 tỉnh thành, bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang, OYO Hotels lên kế hoạch mở rông quy mô hoạt động kinh doanh lên tới 10 thành phố vào cuối năm 2020. Chuỗi khách sạn OYO cũng đã cam kết đầu tư hơn 50 triệu USD vào Việt Nam trong những năm tới với mục tiêu cthúc đẩy sự phát triển của thị trường kinh doanh khách sạn tại Việt Nam và tạo ra những không gian sống chất lượng, tạo điều kiện nghỉ ngơi cho tất cả mọi người với mức giá phù hợp.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhiều chủ khách sạn ký hợp đồng với Oyo cho biết, Oyo "lật lọng hợp đồng" và không thanh toán doanh thu như đã cam kết trong hợp đồng. Theo trang OTA Việt Nam, đến đầu năm 2020, đã có hơn 300 khách sạn rời khỏi hệ thống của Oyo.

Theo Forbes
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.