Sức mạnh tỷ dân của kinh tế Trung Quốc sắp lung lay

Phiên An - 21/01/2020 07:50 (GMT+7)

Một trong những điều làm nên sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc là dân số 1,4 tỷ người đang có dấu hiệu đi xuống.

VNF
Chăm sóc trẻ sơ sinh ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Với 6,1%, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm ngoái đã giảm xuống mức chậm nhất trong 29 năm. Đó là năm mà nền kinh tế nước này bị cản trở bởi thuế quan của Mỹ. Sau nhiều tháng đàm phán và leo thang thuế quan lẫn nhau, Mỹ - Trung đã ký thỏa thuận ban đầu tuần trước, phanh lại cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng, vốn phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và làm rung chuyển thị trường.

Nhưng việc giảm thuế một phần, được đưa ra trong thỏa thuận giai đoạn một không thể giải quyết được hai vấn đề căn cơ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đó là cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và viễn cảnh giảm tốc dài hạn của GDP.

"Số lượng trẻ sơ sinh giảm có thể không nhất thiết gây tổn hại cho nền kinh tế trong thời gian ngắn, nhưng nó tạo ra một cái bóng về sự tăng trưởng của Trung Quốc trong hai hoặc ba thập kỷ tới", ông Huang Wenzheng, Đồng giám đốc của CNPOP, chuyên phân tích Chính sách sinh sản của Trung Quốc.

Khoảng 14,65 triệu trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc năm ngoái, giảm từ 15,23 triệu vào năm 2018. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 1961, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm thứ Sáu. Tỷ lệ sinh giảm xuống 10,48 phần nghìn, mức thấp nhất ít nhất từ năm 1949.

Tổng dân số Trung Quốc tiếp tục tăng, lên 1,4 tỷ vào cuối năm ngoái, từ 1,39 tỷ của một năm trước đó. Số người trong độ tuổi lao động - từ 16 đến 59 tuổi - là 896,4 triệu người, chiếm 64% tổng dân số.

Tỷ lệ sinh chậm sẽ làm tăng thêm mối lo ngại về nhân khẩu học đối với các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc. Nhà chức trách đã từ bỏ chính sách một con vào năm 2016, cho phép các cặp vợ chồng có hai con, nhưng họ đã thất bại trong việc thúc đẩy sinh nở. Số trẻ sơ sinh đã tăng nhanh lên 17,86 triệu trong năm 2016, nhưng đã giảm hàng năm kể từ đó.

Các chuyên gia chỉ trích chính phủ quá chậm để tháo gỡ chính sách một con, gây ra sự sụt giảm trong các ca sinh nở bởi lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, từ 15 đến 49, giảm.

Các số liệu dân số mới nhất sẽ có tác động đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai và áp lực dân số già của Trung Quốc. Sinh ít hơn có nghĩa là người làm công ăn lương ít hơn và người tiêu dùng ít hơn.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào thứ sáu tuần trước, Ning Jizhe, Phát ngôn viên của NBS, đã nhấn mạnh rằng thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng trên 10.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử. "Điều đó cho thấy chất lượng phát triển kinh tế đang được cải thiện", ông Ning nói.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích hoài nghi hơn, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tăng cường nỗ lực kiềm chế suy thoái kinh tế kéo dài trong năm ngoái bằng cách cắt giảm thuế và kích thích tiền tệ.

"Chúng tôi tin rằng tăng trưởng GDP hàng quý dưới 6% là không thể tránh khỏi trong các quý tới",  chuyên gia của Nomura nhận xét.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh cảm thấy nhẹ nhõm khi giữ tốc độ tăng trưởng chính thức của năm ngoái trong mục tiêu 6% - 6,5%, thì vẫn còn nhiều thách thức trong năm nay.

"Thỏa thuận giai đoạn một chỉ là thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Mỹ. Trên thực tế, để thúc đẩy đàm phán trong giai đoạn tiếp theo, Mỹ sẽ giữ mức thuế hiện tại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trừ khi hai nước đạt được thỏa thuận giai đoạn hai", ông Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis cho biết.

Trong chương đánh giá và giải quyết tranh chấp song phương, thỏa thuận nêu rõ, nếu các vấn đề không thể giải quyết, hai bên có quyền đình chỉ nghĩa vụ, áp dụng biện pháp khắc phục hoặc trong trường hợp xấu nhất, rút khỏi thỏa thuận.

Xem thêm >> Tổng thống Trump: Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là ‘sự thành công phi thường’

Theo VnExpress/SCMP
Cùng chuyên mục
Tin khác