Sức mua phục hồi chậm, PNJ vẫn lên kế hoạch lợi nhuận kỷ lục, vượt 2.000 tỷ đồng

Hải Đường - 27/03/2024 11:10 (GMT+7)

(VNF) - PNJ lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 2.089 tỷ đồng, tăng 6% so với mức thực hiện năm 2023. PNJ dự báo sức mua của hoạt động bán lẻ tiêu dùng có thể chưa phục hồi như kỳ vọng trong năm 2024.

VNF
Sức mua phục hồi chậm, PNJ vẫn lên kế hoạch lợi nhuận kỷ lục, vượt 2.000 tỷ đồng.

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên 2024, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) cho biết bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới năm 2024 dự kiến còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức đến từ căng thẳng địa chính trị thế giới, thương mại toàn cầu chưa phục hồi, tăng trưởng các quốc gia đầu tàu còn gặp nhiều khó khăn,…

Trong nước, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức khi là một nền kinh tế có độ mở lớn. Trong hoạt động bán lẻ tiêu dùng, sức mua chung có thể chưa hồi phục như kỳ vọng trong năm 2024.

Trong bối cảnh này, PNJ lên kế hoạch doanh thu thuần tăng 12% so với mức thực hiện năm 2023, đạt 37.147,6 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp dự kiến đạt hơn 6.543 tỷ đồng, tăng 8%.

Dù sức mua tiêu dùng dự kiến chưa hồi phục mạnh mẽ, PNJ vẫn lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục, đạt hơn 2.089 tỷ đồng, tương đương tăng 6% so với mức thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất mà PNJ từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.

Mức cổ tức dự kiến cho năm 2024 là 20%, tương tự cổ tức của năm 2023. Việc tạm ứng cổ tức thực tế sẽ căn cứ vào kết quả quả hoạt động kinh doanh của PNJ năm 2024, dự kiến không vượt quá cổ tức kế hoạch.

PNJ dự kiến trình ĐHCĐ phương án phát hành cổ phiếu cho lãnh đạo chủ chốt năm 2024. Theo đó, số cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành là hơn 3,3 triệu đơn vị, tương đương 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền dự kiến thu về là gần 67 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường tiêu dùng nói chung và thị trường bán lẻ trang sức được dự kiến phục hồi vào nửa cuối năm 2024, tuy nhiên mức phục hồi sẽ khá chậm và tốt hơn trong năm 2025.

Với thế mạnh về sản xuất trang sức, MBS kỳ vọng PNJ sẽ có thêm các chiến lược bán hàng phù hợp, khai thác sâu được tệp khách hàng mới có trong năm 2023. Theo MBS, tệp khách hàng trẻ sẽ đem lại tiềm năng lớn cho PNJ trong trung và dài hạn.

Kết hợp với mức phục hồi thị trường bán lẻ trang sức khoảng 5% trong năm 2024, MBS kỳ vọng doanh thu/cửa hàng/tháng đạt khoảng 4,5 tỷ đồng, tăng 7% so với mức thực hiện năm 2023.

Hiện tại, PNJ đã có hơn 50% thị phần về bán lẻ trang sức trên toàn quốc với độ bao phủ đạt 58/63 tỉnh thành. Tuy nhiên, tỷ lệ về doanh thu tại TP. HCM và Bình Dương (các khu vực loại 1 ở khu vực phía Nam) vẫn khá lớn và chiếm khoảng 40% tổng doanh thu PNJ.

Hiện nay, khu vực miền Bắc mức độ thu nhập tương đương, trong khi tổng 2 nhà bán lẻ trang sức lớn nhất chưa có đến 100 cửa hàng tại Hà Nội (Doji: 35 cửa hàng, PNJ 31 cửa hàng), trong khi ở TP. HCM, PNJ đã sở hữu gần 110 cửa hàng. MBS cho rằng tiềm năng khai thác ra khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Bắc rất lớn dành cho PNJ trong trung và dài hạn.

Trong giai đoạn 2024-2025, với mục tiêu hướng đến là gia tăng thị phần về bán lẻ trang sức, MBS kỳ vọng PNJ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, mở thêm các cửa hàng có thế mạnh về giới thiệu và bán lẻ trang sức (Trung Tâm Kim Hoàn, PNJ Next), qua đó gia tăng thêm sức mạnh thương hiệu và duy trì thị phần trên thị trường để tiến tới phủ sóng mạnh mẽ ra khu vực miền Bắc. MBS dự báo số lượng cửa hàng có thể đạt 440 - 462 cửa hàng vào năm 2024 – 2025.

Dựa trên mức nền tiêu dùng thấp của năm 2023, MBS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận 2024 của PNJ tăng trưởng lần lượt ở mức 17% và 19% so với mức thực hiện năm 2023, tương đương đạt 38.622 tỷ đồng và 2.353 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác