Tái áp dụng giảm 50% phí trước bạ cho xe ô tô trong nước: Liệu có gây thất thu NSNN?

Lê Ngà - 27/08/2021 16:29 (GMT+7)

(VNF) - Liệu việc tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô trong nước có gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN)? Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

VNF
Tái áp dụng giảm 50% phí trước bạ cho xe ô tô trong nước: Liệu có gây thất thu NSNN?

Việc tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 bị lo ngại là sẽ tác động trực tiếp tới thu ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách đang bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC Motor, cho rằng việc giảm lệ phí trước bạ không những không làm giảm số thu ngân sách, ngược lại còn tăng số thu thuế, phí thu được nhờ tăng trưởng doanh số bán xe mang lại.

Tổng giám đốc TC Motor dẫn chứng, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạn tăng hơn 3.000 tỷ đồng.

“Như vậy, có thể khẳng định chính sách này là bước đi cần thiết đối với việc tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt và khác biệt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, từ đó thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và dài hạn, đồng thời góp phần đảm bảo thu ngân sách Nhà nước”, ông Đức cho hay.

Cùng chung quan điểm với ông Lê Ngọc Đức, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cho biết việc tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ không làm thất thu ngân sách nhà nước.

Nhìn vào thực tế năm 2020, khi Bộ Tài chính lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước nhưng số liệu thống kê 6 tháng năm 2020 (thời điểm áp dụng chính sách ưu đãi) cho thấy tổng thu ngân sách từ thuế trước bạ bán ô tô tăng lên gần gấp đôi.

“Rõ ràng việc này không làm thất thu ngân sách nhà nước. Việc giảm lệ phí trước bạ sẽ khuyến khích người dân mua sắm, khi đó sẽ bán được nhiều ô tô hơn và nguồn thu sẽ tăng theo”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Tuy nhiên, có một vấn đề bất cập được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra đó là các doanh nghiệp bán xe ô tô “thuần” nhập khẩu sẽ có ý kiến kiến nghị vì không được hưởng ưu đãi này.

>>> Xem thêm: Tái áp dụng giảm 50% phí trước bạ cho xe ô tô trong nước: Cần tạo ‘sân chơi’ bình đẳng

Việc tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ liệu có kích cầu mua sắm trong bối cảnh hiện nay

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cho rằng cơ quan chức năng muốn có nguồn thu cần phải nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, nếu để phí và giá bán xe quá cao thì người dân sẽ không có tiền mua.

Do đó, việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sẽ kích thích được nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó đẩy mạnh được sản xuất, lưu thông hàng hóa, khôi phục đà tăng trưởng và có nguồn thu trở lại.

Còn theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ hiển nhiên sẽ tác động đến thu ngân sách của nhà nước nhưng có thể thu lại (bù lại) từ những chỗ khác.

Ông Đồng cho rằng có thể tăng thu phí thuế bảo vệ môi trường thật cao đối với xe máy, ô tô chạy bằng xăng, dầu và cần khuyến khích và giảm thuế đối với xe máy, ô tô chạy bằng điện.

Đồng quan điểm với ông Đồng, ông Nguyễn Mạnh Thắng, giám đốc Whatcar thẳng thắn nhìn nhận việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Một vấn đề được ô Thắng đặt ra đó là nếu tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ nhưng không kích được cầu thì định mức đặt ra về thu ngân sách sẽ không đạt, tức là biện pháp này không có hiệu quả.

“Tôi lấy ví dụ, chúng ta bán 1.000 xe thu được 1.000 tỷ đồng tiền ngân sách nhưng khi áp dụng giảm 50% phí trước bạ thì chúng ta cần phải bán được tới 2.000 xe thì mới có thể thu lại được 1.000 tỷ đồng. Nhưng nếu chỉ bán được 1.500 xe thì tất nhiên khi đó ngân sách nhà nước sẽ bị thất thu”, ông Thắng lý giải.

Cùng chuyên mục
Tin khác