Tài xế Grab xuống đường ‘biểu tình’ đòi Grab giảm tỷ lệ ăn chia

Thanh Thanh - 15/01/2018 15:51 (GMT+7)

(VNF) – Ngày 15/1, khoảng 50 xe Grab đã tập trung tại sân vận động Mỹ Đình, sau đó di chuyển đến Văn phòng Grab Hà Nội (tầng 5, tòa nhà Kim Ánh, số 1 ngõ 78 phố Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) để yêu cầu Grab giảm chiết khấu dịch vụ.

VNF
Tài xế Grab xuống đường phản đối, yêu cầu Grab giảm tỷ lệ chiết khấu.

Theo chia sẻ từ một tài xế lái xe Hyundai i10, mục tiêu của buổi tuần hành lần này là để phản đối mức chiết khấu quá cao của Grab Việt Nam, hiện lên tới 25%.

"Tại nhiều quốc gia khác, mức chiết khấu của Grab chỉ từ 10 – 15%, thấp hơn ở Việt Nam rất nhiều. Trong khi đó, chúng tôi còn phải chi trả các khoản khác như tiền thuế, khấu hao xe…", tài xế này bức xúc.

Một tài xế khác bức xúc cho biết thêm: "Thành phố Hà Nội đã cấm Grab đi vào 13 tuyến phố trong giờ cao điểm từ ngày 11/1, do vậy thu nhập của chúng tôi bị giảm sút vì phải đi đường vòng để tránh bị phạt, gây tốn xăng, mất thêm nhiều thời gian"

"Grab hay Uber đều phải hạ mức chiết khấu", tài xế này nêu quan điểm.

Các tài xế Grab biểu tình yêu cầu Grab giảm tỷ lệ chiết khấu.

Theo anh Nguyễn Minh Ngọc (Mỹ Đình): "Sự việc cấm đường đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ của Sở Giao thông vận tải Hà Nội như một giọt nước tràn ly. Tưởng chừng thu nhập từ việc chạy xe Grab rất cao, nhưng sau khi trừ đi triết khấu và các chi phí thì các tài xế cầm lại không đáng bao nhiêu".

Qua khảo sát hàng chục tài xế có mặt tại sân vận động Mỹ Đình, tất cả đều cho hay vào giờ cao điểm, khi nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao thì họ đều phải tắt ứng dụng, không dám chạy vì điểm đến hoặc điểm đón xe của khách đều nằm trên các tuyến phố cấm.

Nhiều tài xế Grab có mặt tại sân vận động Mỹ Đình từ sáng sớm.

Bên cạnh đó, việc cấm đường đi vào giờ cao điểm gây ra thiệt hại rất nhiều cho các tài xế. Đây được coi là cung giờ nhân giá nên việc cấm đường không khác gì "cú đấm thẳng" vào doanh thu của các tài xế.

"Thu nhập chúng tôi bị giảm mạnh. Nếu Grab, Uber không hạ mức chiết khấu, chúng tôi khó có thể tiếp tục hợp tác", nhiều tài xế chung quan điểm.

Đến 9h cùng ngày, đoàn xe bắt đầu di chuyển với đích đến là tòa nhà Kim Ánh nằm trên phố Duy Tân.

Mặc dù "tuần hành" phản đối Grab tăng chiết khấu nhưng đoàn xe chạy trong trật tự, tuân thủ Luật An toàn giao thông với hàng 1, tất cả đều bật đèn cảnh báo, không có tình trạng bấm còi.

Sau khi chạy qua nhiều tuyến phố như Lê Quang Đạo, Mễ Trì, Duy Tân, hàng chục chiếc xe đã dừng lại tập trung trước toà nhà Kim Ánh, số 1 ngõ 78 phố Duy Tân.

Hàng trăm chiếc taxi Grab đã dừng lại tập trung trước toà nhà Kim Ánh.

Tại đây, hàng trăm tài xế liên tục hô lớn: "Đề nghị Grab giảm chiết khấu!".

Thời gian sau đó, liên tục có thêm rất nhiều xe Grab từ các tuyến phố đổ về, gây ách tắc.

Nhiều tài xế Grab cho biết họ có mặt tại đây không phải để phản đối lệnh cấm của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội mà để đề nghị Grab phải giảm tỷ lệ chiết khấu để họ có thể tồn tại.

Một số tài xế Grab khác cho rằng việc cấm đường với các xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (chủ yếu là Uber, Grab) thực tế có rất nhiều điều bất hợp lý với tài xế.

Cụ thể, với hợp đồng điện tử, tài xế không hề biết địa điểm đến của khách. Chỉ sau khi nhận chuyến đi thì lái xe mới biết được địa điểm đón và đến của xe. Nếu địa điểm trong các tuyến đường cấm trong khung giờ như quy định thì tài xế buộc phải hủy chuyến.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tài xế bởi cả Grab và Uber đều có giới hạn hủy chuyến trong ngày đối với cả lái xe và người sử dụng, nếu quá lượt hủy sẽ bị khóa tài khoản. Điều này có ảnh hưởng nhất định tới việc chỉ số đánh giá, xếp hạng của tài xế.

Thêm đó, việc hủy chuyến cũng gây bất tiện cho cả cho với hành khách. Do đó, Grab và Uber cần phải đưa ra các chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ tài xế.

Bên cạnh việc xuống đường phản đối Grab, nhiều tài xế cho biết họ sẽ tiếp tục xuống đường phản đối, để đề nghị Uber Việt Nam giảm chiết khấu.

Cùng chuyên mục
Tin khác