Bất động sản

Tâm lý sợ tăng giá, khách quyết định xuống tiền mua nhà nhanh hơn

(VNF) - Ngoài lý do nhu cầu dồn nén trong khi nguồn cung ít ỏi, nhiều người gấp gáp mua chung cư vì sợ giá nhà tiếp tục tăng cao, không còn ở ngưỡng hợp lý, hay còn gọi là tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO).

Tâm lý sợ tăng giá, khách quyết định xuống tiền mua nhà nhanh hơn

'Sốt giá chung cư Hà Nội do hiệu ứng FOMO'

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, nhìn nhận thị trường bất động sản Hà Nội đang có những cơn sốt nhỏ ở phân khúc căn hộ.

Theo bà Hằng, tại nhiều khu vực, giá bán căn hộ thay đổi từng ngày. Nguồn cung khan hiếm suốt một thời gian dài, cùng với tâm lý sợ giá nhà tiếp tục tăng cao đã khiến khách hàng có xu hướng đẩy nhanh tốc độ quyết định "xuống tiền" hơn so với thời gian trước.

"Đa số những người có ý định mua nhà ở thời điểm hiện tại đều chốt rất nhanh, thay vì mất thời gian dài để cân nhắc, chờ đợi giá giảm hay tiếp tục tìm kiếm những căn hộ phù hợp hơn", bà Hằng nói.

Số liệu từ Savills Việt Nam cũng cho thấy, thị trường căn hộ Hà Nội có sự cải thiện rõ rệt trong quý đầu năm với 5.308 căn hộ bán được, tăng 74% theo quý và 99% theo năm. Căn hộ hạng B chiếm 88% số lượng căn bán được. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ 45%.

Giá sơ cấp trên thị trường đạt 59 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và 14% theo năm. Cùng với đà tăng giá của phân khúc chung cư, thị trường Hà Nội ngày càng thiếu hụt các sản phẩm dưới 30 triệu đồng/m2, các sản phẩm này chỉ chiếm 4% nguồn cung mới và được bán hết.

Các căn hộ có giá từ 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng chiếm 47% thị phần. Đặc biệt, các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm tới 49% thị phần của thị trường. Trong khi đó, kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp của căn hộ bình dân giảm 47% mỗi năm.

Trên thị trường thứ cấp, các hoạt động mua bán cũng diễn ra rất sôi động. Giá sơ cấp tăng cùng với nguồn cung sơ cấp giảm, đã tạo điều kiện cho giá thứ cấp tăng mạnh. Các sản phẩm thứ cấp có ưu điểm hơn phần lớn đã sẵn sàng để ở, có pháp lý đầy đủ và có giá cả phải chăng hơn. Giá sơ cấp trung bình trên thị trường hiện cao hơn 40% so với giá thứ cấp.

Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) cũng cho biết tại thị trường Hà Nội, việc khách hàng phải quyết định giao dịch nhanh chóng càng diễn ra phổ biến hơn. Tâm lý "sợ tăng giá" xuất hiện do 3 tháng trở lại đây, giá chung cư ở Hà Nội tăng mạnh. Thị trường này đang có những cơn sốt nhỏ, giá thay đổi theo ngày, ngày hôm trước và ngày hôm sau vào đặt cọc giá đã thay đổi.

Theo một khảo sát của DXS - FERI, khách hàng tập trung chủ yếu ở nhóm có nhu cầu mua ở thực (58%), tiếp theo đó là nhóm khách hàng đầu tư dài hạn (16%) và khai thác cho thuê (18%), cũng đã xuất hiện lượng khách quan tâm đến việc đầu tư lướt sóng ngắn hạn nhưng tỷ lệ không đáng kể (3%), còn lại là các mục đích khác (5%).

Tuy nhiên về cơ bản, khách hàng đang chia thành 2 nhóm chính. Nhóm cơ hội, tận dụng thời cơ là khách hàng quyết định giao dịch nhanh chóng để tận dụng dòng tiền rẻ và chính sách bán hàng tốt. Nhóm cẩn trọng là khách hàng lựa chọn kỹ phân khúc, loại hình bất động sản trước khi xuống tiền: đa phần là khách hàng mua ở thực.

Cũng theo dữ liệu khảo sát của đơn vị này vào tháng 3/2024 ghi nhận phân khúc căn hộ tiếp tục là dòng sản phẩm dẫn dắt thị trường với sự quan tâm ưu tiên lựa chọn tăng nhẹ từ mức 76% vào quý 4/2023 lên mức 78% vào quý 1/2024.

Trong đó nhu cầu tìm mua sản phẩm căn hộ có khung giá dưới 2,5 tỷ đồng đang chiếm tỷ trọng cao (lên đến 68%), kế tiếp là nhu cầu dành cho căn hộ có khung giá dưới 3,5 tỷ đồng (22%), tính cộng gộp riêng nhu cầu dành cho tất cả căn hộ có giá dưới 3,5 tỷ đồng chiếm đến 90% nhu cầu của các khách hàng được phỏng vấn.

Tin mới lên