Tăng phí đăng kiểm: Đi ô tô đã chịu nhiều loại phí, đừng gây tốn kém thêm

Lê Ngà - 13/06/2023 08:08 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải lại ủng hộ đề xuất này.

VNF
Đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới: ‘Chưa hợp lý’. Ảnh Lê Ngà

Chưa hết ùn tắc, đăng kiểm lại đề xuất tăng giá dịch vụ

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm và duy trì hoạt động ổn định cho hệ thống đăng kiểm xe cơ giới, Cục đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị lập phương án giá gửi cục. Đến ngày 19/5, Cục đã nhận được 101 phương án giá từ 122 trung tâm đăng kiểm xe gửi về. Qua rà soát đã loại bỏ 25 phương án giá kê khai chi phí quá cao so với năm trước liền kề nhưng không có thuyết minh chi tiết hoặc tỷ lệ lợi nhuận dự kiến để ở mức cao (20%).

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lựa chọn 76 phương án, đại diện cho 96 trung tâm đăng kiểm xe làm cơ sở lập phương án đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, phương án giá bình quân dựa trên cơ sở xác định sản lượng, tổng chi phí của hoạt động kiểm định của hệ thống các đơn vị đăng kiểm; đồng thời xác định mức lợi nhuận tạm tính là 10% trên giá thành, thuế suất thuế VAT 10% trên cơ sở giá thành cộng lợi nhuận dự kiến để xác định giá dịch vụ kiểm định đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi để quy đổi mức giá kiểm định giữa các nhóm xe. Ngoài ra, Cục này cũng đề nghị bổ sung mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với những xe được miễn kiểm định lần đầu là 50.000 đồng.

Trường hợp in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định đối với tình huống chủ xe bị mất tem, giấy chứng nhận kiểm định hoặc xin lưu hành trở lại (sau khi xin dừng nghỉ lưu hành), thu bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 02 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo Thông tư 02, từ ngày 22/3, ô tô mới được miễn kiểm định lần đầu, nhiều loại xe được kéo dài chu kỳ kiểm định.

“Quy định trên đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố tạo làm sụt giảm doanh thu của các đơn vị đăng kiểm xe. Việc xe được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới làm các trung tâm đăng kiểm giảm nguồn thu khoảng hơn 132,6 tỷ đồng", Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.

Tăng giá dịch vụ đăng kiểm, nên hay không?

Chất vấn về đăng kiểm tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng hơn 70% trung tâm đăng kiểm hiện do doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện, phải thu hồi vốn. Nhưng với cơ chế phí đăng kiểm hiện nay rất khó duy trì, nhiều trung tâm đăng kiểm có thể phải phá sản, giải thể. Vì vậy, ông Giang đề nghị xem xét đổi mới lại cơ chế tài chính cho trung tâm đăng kiểm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đồng tình với việc cần điều chỉnh cơ chế tài chính. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Tài chính để đưa vào dự thảo Luật Giá sửa đổi, loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá hiện đang quản lý.

"Việc ngành đăng kiểm đang tiến hành điều chỉnh lại giá tại thời điểm này là chưa hợp lý". Ảnh Lê Ngà

Theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, việc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xem xét tăng phí ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Ông Thuỷ cho rằng hiện tại các xe, nhất là xe kinh doanh vận tải đang chịu quá nhiều loại phí như phí BOT, phí bảo trì đường bộ… Việc tăng thêm phí đăng kiểm và tăng thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc người dân phải xếp hàng chờ đợi 3 - 4 ngày mới được đăng kiểm cũng là một bất cập đang hiện hữu hiện nay.

“Như vậy, rõ ràng là ngành đăng kiểm chưa làm tốt công việc của mình, còn xảy ra tiêu cực, thậm chí là lợi ích nhóm. Giờ đề nghị tăng phí, tôi e rằng người dân, doanh nghiệp khó lòng ủng hộ”, ông Thuỷ cho hay.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng, hiện nay tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao và các nghành đang kiềm chế tăng giá để hạn chế lạm phát. Trong đó, các nghành như vận tải bị ảnh hưởng lớn nhất. Đây cũng được xem là nghành chủ đạo xương sống của nền kinh tế cũng đã phải bán xe để cắt lỗ. Chính vì vậy, việc ngành đăng kiểm đang tiến hành điều chỉnh lại giá tại thời điểm này là chưa hợp lý. Ngoài ra, ngành đăng kiểm là nghành đặc thù liên quan đến điều kiện kinh doanh và thực tế không thể lấy lý do giãn chu kỳ đăng kiểm để rồi tăng giá bù vào là không hợp lý.

Cũng theo ông Hùng, vừa qua cơ quan điều tra đã xử lý rất quyết liệt và cũng từ đó đã bộc lộ rất nhiều điểm cần chấn chỉnh và rút kinh nghiệm trong công tác quản lý kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông và nhận thức của các tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật.

“Nhưng không thể vì việc thanh, kiểm tra khiến các phương tiện bị ùn ứ và lấy lý do đó để tăng giá thì vô hình chung sẽ tác động đến các kết quả mà các cơ quan quản lý nhà nước đã mất nhiều công sức làm trong thời gian qua, đồng thời sẽ tạo dư luận không tốt cho xã hội”, đại diện Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay.

Theo đề xuất điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tăng 90.000 đồng/lượt, tăng từ 250.000 đồng/lượt lên 340.000 đồng/lượt.

Mức cao tăng nhất là 220.000 đồng/lượt áp dụng cho xe tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại ô tô chuyên dùng. Mức tăng từ 570.000 đồng/lượt lên 790.000 đồng/lượt.

Xem thêm: Phó Thủ tướng chỉ đạo: Dùng công nghệ chống nạn 'cò mồi' đăng kiểm ô tô

Cùng chuyên mục
Tin khác