Tăng trưởng tín dụng: Chặng nước rút về đích
(VNF) - Tín dụng tháng 9 tăng đột biến khiến khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm trở nên khả thi. Nhưng để tín dụng tăng trưởng hơn nữa, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Tín dụng tăng đột biến
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/9, tín dụng đã tăng 9%, cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng 6,24% đạt được cùng kỳ năm trước.
Trước đó, NHNN cho biết, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63%. Như vậy, trong tháng 9 và tuần cuối cùng của tháng 8, tín dụng tăng tới 2,37%, cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng bình quân của 8 tháng đầu năm (hơn 0,8%/tháng). Đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, hứa hẹn khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cung và cầu đều có sự cải thiện và có sự phục hồi. Với việc lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối ổn định, lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm, NHNN tin rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm nay ở mức 15% là hoàn toàn khả thi.
Thế nhưng, kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2024 vừa được NHNN công bố cho thấy, các TCTD chỉ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 13,2%, điều chỉnh giảm 0,9 điểm % so với mức dự báo 14,1% tại kỳ điều tra trước.
Năm nay, NHNN phân bổ hết room tín dụng 15% cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. Mới đây, NHNN có văn bản thông báo, từ ngày 28/8, các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý...
Việc tín dụng gia tăng vào cuối năm không phải là điều bất ngờ, bởi nhu cầu vốn của nền kinh tế thường tăng cao vào thời điểm này. Giới phân tích nhận định tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong quý cuối năm.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa có báo cáo phân tích và đưa ra dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc vào cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục. Những động lực tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ lĩnh vực bất động sản - sản xuất - đầu tư công, cho vay bán lẻ, chính sách của NHNN và hoạt động cho vay tái thiết sau bão.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho hay, việc hấp thụ vốn cuối năm thường cao hơn. Thậm chí, quý cuối năm có thể gấp 2 lần hoặc 3 lần nhu cầu so với các quý trước, do nhu cầu dòng tiền phục vụ đơn hàng cuối năm, sản xuất kinh doanh mùa lễ tết. Ông Hoàn dự báo, mức tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm nay là khả thi. Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận, tín dụng đang cải thiện dần về cuối năm do cầu vốn gia tăng.
Lịch sử cho thấy, tín dụng thường có những đợt tăng trưởng bất thường vào các thời điểm then chốt, như trước khi NHNN cấp room tín dụng cho năm tiếp theo. Đơn cử, tháng 6/2023, tín dụng đã tăng 1,46%, gấp 6 lần so với tháng trước đó. Điều này cho thấy, có thể tồn tại những áp lực về tăng trưởng mà không chỉ hoàn toàn dựa vào nhu cầu vốn.
Ngân hàng tăng tốc đẩy vốn
Tuy tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 9 nhưng nếu nhìn vào tổng thể 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng vẫn được đánh giá là chậm. Theo báo cáo từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Các TCTD cũng cho biết, nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực tín dụng bán lẻ. Trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chủ yếu dựa vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi cầu vốn của khu vực khách hàng cá nhân rất yếu. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bất động sản, cho vay với các chủ đầu tư có tốc độ cao gấp 10 lần so với tín dụng dành cho cá nhân mua nhà hoặc sửa chữa nhà.
Hiện nay, cầu tín dụng bất động sản, nhất là cầu vay mua nhà, vẫn rất yếu, do giá nhà cao, dự án hiếm hoi. Do đó, muốn thúc đẩy tín dụng bất động sản, điều đầu tiên là phải tăng nguồn cung. Ngoài cầu tín dụng yếu, cung - cầu vốn cũng chưa thật sự gặp nhau. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận vốn do thiếu tài sản thế chấp. Có thực tế rằng, dù nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay không có tài sản đảm bảo song yêu cầu khắt khe từ phía ngân hàng vẫn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cầu vốn tăng mạnh vào cuối năm là thực tế, nhưng vốn có chảy được hay không lại là chuyện khác. Thực tế, rất nhiều khách hàng có nhu cầu về vốn song không thể vay được. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng 9 tháng đầu năm vẫn chậm.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, kể cả room tín dụng cũng như nguồn lực, nguồn vốn thanh khoản đều đủ cho nhu cầu vốn tín dụng. Điều quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay. Ông Tú cho rằng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh. Cần nhiều chính sách giải pháp vĩ mô khác đồng hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng.
Để đạt tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 15%, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Đức Thạch Diễm đề nghị, cần tiếp tục kéo giảm chi phí vốn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn; triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề; tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng ở mức độ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Còn ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đề xuất NHNN xem xét việc quản lý hạn mức tín dụng (room tín dụng) theo hướng linh hoạt hơn, đặc biệt là đối với các ngân hàng được đánh giá tốt. Đồng thời, cần có giải pháp tháo gỡ cơ chế chính sách, những nút thắt về thủ tục đầu tư mà hiện nay vẫn đang rất chậm, đặc biệt là cho các dự án bất động sản. Khi các nút thắt này được giải tỏa, nguồn cung sẽ được cải thiện giúp cho thị trường bất động sản ấm lên tạo tâm lý tích cực cho đầu tư và tiêu dùng.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nên mở rộng hoạt động của các quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn vay, thay vì chỉ yêu cầu hạ chuẩn cấp tín dụng - vốn dễ gây rủi ro cho toàn hệ thống ngân hàng.
Chỉ khi nào dòng vốn tín dụng chảy mạnh mẽ vào cả hai lĩnh vực doanh nghiệp và cá nhân thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể phát triển một cách toàn diện và bền vững. Những nỗ lực cải cách từ cả phía ngân hàng và doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển của tín dụng trong thời gian tới.
Chính phủ yêu cầu NHNN đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 15%
- Giảm lãi suất, gỡ khó bất động sản... để thúc tăng trưởng tín dụng 22/09/2024 08:00
- Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù 14/09/2024 07:00
- Tăng trưởng tín dụng: Số đông ngân hàng nhỏ chia nhau phần ít 30/08/2024 09:00
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.