Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
(VNF) - Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.
Vì sao tăng trưởng vẫn phập phù?
Phó tổng giám đốc một ngân hàng có vốn nhà nước than thở, chưa bao giờ tăng trưởng tín dụng lại khó khăn như năm nay. “Nói thì hơi quá nhưng từ đầu năm đến giờ, các buổi họp nội bộ của ngân hàng chủ yếu liên quan đến tín dụng bởi tăng trưởng lên xuống trồi sụt. Cuối ngày nào cũng phải kiểm tra lại số liệu dư nợ hôm nay là bao nhiêu”, vị này nói.
Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều là ngân hàng thương mại truyền thống với hoạt động kinh doanh cốt lõi là cho vay. Do đó, thu nhập lãi thuần chiếm khoảng 80% tổng thu nhập hoạt động (TOI) của các ngân hàng, trong khi thu nhập ngoài lãi đóng góp khoảng 20% TOI. Các ngân hàng lo lắng về cho vay cũng là điều dễ hiểu. Nhưng sự lo lắng này còn đến từ một nguyên nhân khác. Trong cuộc họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng”.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó tổng giám đốc điều hành Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận định tăng trưởng tín dụng thấp bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố.
Thứ nhất là các yếu tố kinh tế vĩ mô. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát cao là một trong những nguyên nhân làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và tăng chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, những bất ổn kinh tế toàn cầu bao gồm căng thẳng thương mại, chiến tranh Ukraine - Nga, rủi ro địa chính trị đã làm chậm lại quá trình mở rộng kinh doanh và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thứ hai là tiêu chuẩn cho vay nghiêm ngặt. Các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát tín dụng trong hệ thống ngân hàng với mục tiêu giảm thiểu nợ xấu và bong bóng tín dụng đã khiến một số người tiêu dùng/doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái thị trường.
Thứ ba là an toàn vốn ngân hàng. Nhiều ngân hàng phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn vốn theo Basel III hoặc duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) theo quy định phù hợp, dẫn đến hạn chế khả năng cho vay.
Thứ tư là bối cảnh tín dụng cạnh tranh cao. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng lớn đưa ra lãi suất cho vay thấp cho khách hàng, khiến các ngân hàng thương mại nhỏ khó cạnh tranh hơn.
Còn theo ông Pramoth Rajendran, Giám đốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và Tài chính cá nhân - HSBC Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu chậm lại kể từ đầu tháng 7 so với cuối năm 2023. Có một số nguyên nhân đằng sau sự tăng trưởng chậm này, như việc phục hồi không đồng đều giữa các nhóm ngành đã hạn chế nhu cầu chung của khu vực doanh nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn do độ trễ của những sự điều chỉnh chính sách nhằm hỗ trợ thị trường.
Ngoài ra, ông Pramoth Rajendran cho biết nhu cầu tín dụng trong nước nói chung vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, vốn là động lực tăng tưởng truyền thống của nền kinh tế, vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Một số ngành có nhu cầu tín dụng nhưng chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Ngoài ra, sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng cá nhân cũng là một số nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại trong thời gian gần đây.
“Vừa xay lúa, vừa ẵm em”
Nhìn về những tháng cuối năm, bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, nhận định tâm điểm của ngành ngân hàng chủ yếu sẽ xoay quanh câu chuyện tăng trưởng tín dụng và tăng cường trích lập dự phòng. Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% vào năm 2024 nhờ nhu cầu vốn sẽ khởi động theo sự phục hồi của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,9% trong năm quý II/2024 vượt qua hầu hết các dự báo thị trường trước đó (khoảng 6,1% - 6,5%). Đây cũng là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ quý III/2022, thúc đẩy bởi xuất khẩu mạnh mẽ và sự phục hồi của ngành sản xuất.
“Chỉ số PMI của Việt Nam đạt 54,7 điểm trong tháng 7, đánh dấu tháng thứ 5 chỉ số này trên mức 50 điểm, thể hiện sự gia tăng của số lượng đơn hàng đặt mới. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu tăng gần 16%, trong khi nhập khẩu tăng 18,5% so với cùng kỳ đánh dấu sự gia tăng trở lại của nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước”, bà Hiền nhận định.
Trong diễn biến có liên quan, ông Pramoth Rajendran nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng tín dụng có chất lượng, là yếu tố rất quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Quả thực, tăng trưởng tín dụng nhanh trong thời gian ngắn đột biến sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu tăng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5% và khi tính cả nợ tiềm ẩn, con số này đạt khoảng 6,9%. Với một ngành nghề có tính đòn bẩy tài chính cao như ngành ngân hàng thì đây là một mức tỷ lệ nợ xấu rất đáng lo lắng. Sự gia tăng này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng mà còn có tác động sâu rộng đến chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro.
Diễn biến trên thị trường cho biết, xu hướng nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã chứng kiến nhiều biến động trong suốt một năm qua. Quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu tăng cao lên mức 2,24% tuy nhiên, sang quý IV cùng năm thì tỷ lệ này giảm xuống 1,96% nhờ vào các giải pháp khác nhau. Dù vậy, tỷ lệ này lại tăng trở lại lên 2,18% và tiếp tục tăng nhẹ lên mức 2,22%.
Ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cao cấp Khối xếp hạng & nghiên cứu VIS Rating, cho biết các ngân hàng nhỏ suy giảm chất lượng tài sản rõ rệt nhất. NVB, BAB, SGB, VBB ghi nhận tỷ lệ nợ có vấn đề (NPL) hình thành mới cao hơn so với các ngân hàng khác, chủ yếu từ phân khúc bán lẻ và SME.
Trong số các ngân hàng quốc doanh (SOB), tỷ lệ nợ có vấn đề của CTG và BID tăng lên do lĩnh vực liên quan đến xây dựng và bất động sản. Một số ngân hàng lớn đã giảm nợ có vấn đề bằng cách sử dụng dự phòng để xử lý trái phiếu VAMC (ví dụ VPB) hoặc giảm nợ có vấn đề từ khách hàng lớn (ví dụ MBB). Tỷ lệ NPL hình thành mới của TPB duy trì ở mức thấp nhờ vào việc thắt chặt điều kiện cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng mới.
Cạnh tranh room tín dụng, ngân hàng sẽ giảm sâu lãi suất cho vay?
- Nới room tín dụng lên 18%: Ngân hàng nào được 'nhận quà'? 01/09/2024 11:30
- Tăng trưởng tín dụng: Số đông ngân hàng nhỏ chia nhau phần ít 30/08/2024 09:00
- Ngân hàng dùng gần hết 'room' tín dụng được cấp thêm 28/08/2024 10:11
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.