Ngân hàng

Tăng vốn ở ngân hàng quốc doanh: Agribank nhận ưu ái đặc biệt

(VNF) - Năm 2017, Agribank được tăng vốn thêm 1.109 tỷ đồng theo quyết định của Bộ Tài chính. Thậm chí, ngân hàng này còn không phải nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước.

Tăng vốn ở ngân hàng quốc doanh: Agribank nhận ưu ái đặc biệt

Năm 2017, Agribank được tăng vốn thêm 1.109 tỷ đồng.

Hầu hết các ngân hàng thương mại quốc doanh đều đang vướng một vấn đề nan giải: khó tăng vốn. Điều này khiến hệ số an toàn vốn của ngân hàng ngày càng suy giảm, làm giảm phạm vi mở rộng dư nợ tín dụng, qua đó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng lợi nhuận mà lâu dài hơn còn khiến ngân hàng đối diện nguy cơ tụt hậu trong cạnh tranh.

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này là việc Nhà nước gần như không thể chi tiền tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh trong bối cảnh ngân sách khó khăn, thậm chí còn phải buộc nhiều ngân hàng chi cổ tức bằng tiền mặt để tăng thu ngân sách.

Chẳng hạn như trường hợp của VietinBank, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng này thậm chí đã ở dưới mức tối thiểu theo quy định (65%). Nếu muốn tăng vốn thông qua việc bán cổ phần cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp nhà đầu tư hiện hữu lẫn nhà đầu tư bên ngoài) thì Nhà nước buộc phải chi tiền mua cổ phần để giữ tỷ lệ sở hữu.

Với trường hợp của Vietcombank và BIDV, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại 2 ngân hàng này chưa ở mức tối thiểu nên việc tăng vốn có thể dựa vào phát hành cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong thời điểm đàm phán chưa hoàn tất, các ngân hàng vẫn cần Nhà nước chi tiền tăng vốn. Thực tế, thời gian trước, Vietcombank gặp khó khăn lớn trong việc phát hành cổ phần riêng lẻ do giá cổ phiếu quá cao. BIDV hiện cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Hơn nữa, sớm muộn gì tỷ lệ này cũng xuống mức tối thiểu, “vòng luẩn quẩn” tăng vốn khi đó sẽ lại bắt đầu.                      

Theo thống kê, trong năm 2017, Vietcombank đã phải chi tới 2.878 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông, trong đó 2.216 tỷ đồng thuộc về cổ đông Nhà nước (tương ứng với tỷ lệ sở hữu 77%). VietinBank cũng đã phải chi trả 2.606 tỷ đồng trả cổ tức (Nhà nước nhận 1.680 tỷ đồng). Trong khi đó, con số này ở BIDV là 2.393 tỷ đồng (Nhà nước nhận 2.279 tỷ đồng).

Trái ngược với 3 trường hợp trên, năm 2017, Agribank được tăng vốn thêm 1.109 tỷ đồng theo quyết định của Bộ Tài chính. Thậm chí, ngân hàng này còn không phải nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước.

Năm 2017, Agribank được tăng vốn thêm 1.109 tỷ đồng và không phải nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước

Theo số liệu có được từ năm 2014 đến nay, Agribank hoàn toàn không phải nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước. Riêng năm 2014 còn được tăng vốn tới 2.517 tỷ đồng. Sự ưu ái đặc biệt này nhiều khả năng nằm trong các đề án tái cơ cấu Agribank suốt từ năm 2013 đến nay (tái cơ cấu giai đoạn 2013 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020).

Tin mới lên