Tập đoàn công nghệ Mỹ chi tiền vận động hành lang nhiều nhất ở châu Âu

Minh Tâm - 01/09/2021 07:45 (GMT+7)

Kết quả nghiên cứu cho thấy 612 tập đoàn, công ty và hiệp hội chi 114 triệu USD hằng năm để vận động hành lang về các chính sách kinh tế kỹ thuật số của EU, đứng đầu danh sách là Google.

VNF
Biểu tượng Google tại tòa nhà văn phòng ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nghiên cứu được công bố ngày 31/8, Google - công ty con hàng đầu của Tập đoàn Alphabet, công ty Facebook và Tập đoàn Microsoft là ba “ông lớn” chi tiền vận động hành lang nhiều nhất ở châu Âu nhằm chống lại những quy định mới nghiêm ngặt hạn chế sức mạnh của “các gã khổng lồ” công nghệ Mỹ.

Tổ chức phi lợi nhuận Corporate Europe Observatory và tổ chức dân sự LobbyControl đã thực hiện nghiên cứu trên bằng cách tổng hợp dữ liệu do các công ty gửi tới kho cơ sở dữ liệu Đăng ký minh bạch của Liên minh châu Âu (EU) đến giữa tháng 6/2021.

Kết quả cho thấy 612 tập đoàn, công ty và hiệp hội chi hơn 97 triệu euro (114 triệu USD) hằng năm để vận động hành lang về các chính sách kinh tế kỹ thuật số của EU.

Google đứng đầu danh sách này với 5,75 triệu euro (gần 7 triệu USD). Kế đến là Facebook với 5,5 triệu euro (6,5 triệu USD), Microsoft 5,25 triệu euro (hơn 6 triệu USD), Apple 3,5 triệu euro (hơn 4 triệu USD), Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc chi 3 triệu euro (3,55 triệu USD) và công ty Amazon.com Inc ở vị trí thứ sáu với mức chi 2,75 triệu euro (trên 3 triệu USD).

Theo nghiên cứu, số tiền vận động hành lang trong lĩnh vực công nghệ vượt trên cả các lĩnh vực dược phẩm, nhiên liệu hóa thạch, tài chính và hóa chất.

Số tiền vận động hành lang ngày càng tăng của các công ty công nghệ và kỹ thuật số lớn nói chung phản ánh vai trò ngày càng tăng của các lĩnh vực này trong xã hội. Điều đáng chú ý và có thể là một nguyên nhân đáng quan ngại đó là các nền tảng trên có thể sử dụng “vũ khí” này để đảm bảo tiếng nói của họ không chỉ được lắng nghe mà còn đánh bật cả các ý kiến trái chiều trong cuộc tranh luận về cách xây dựng các quy tắc mới cho các nền tảng kỹ thuật số.

Việc vận động hành lang trong lĩnh vực công nghệ tập trung vào hai dự thảo luật gồm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số. Đạo luật Thị trường kỹ thuật số liệt kê những điều nên làm và không nên làm đối với các “gã khổng lồ” công nghệ, trong khi Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số yêu cầu các công ty phải tăng cường giám sát nội dung trên các nền tảng của họ.

Nghiên cứu cảnh báo những nỗ lực vận động hành lang như vậy có thể sẽ là “một lời cảnh tỉnh” cho các nhà hoạch định chính sách của EU để củng cố các dự thảo luật và quy tắc vận động hành lang.

Nghiên cứu cũng cảnh báo về khả năng các công ty công nghệ tiếp cận với Ủy ban châu Âu (EC) khi các nhà vận động hành lang tham gia vào 75% trong tổng số 270 cuộc họp của các quan chức EC về hai dự thảo luật nói trên.

Hồi đáp về thông tin trên qua thư điện tử, Google nhấn mạnh công ty này có các chính sách rõ ràng để đảm bảo tính độc lập của các cá nhân và các tổ chức mà họ tài trợ, trong đó có yêu cầu kê khai số tiền tài trợ.

Microsoft nhấn mạnh: "EU đã và vẫn là một bên liên quan quan trọng” đối với tập đoàn này. Microsoft luôn nỗ lực trở thành đối tác minh bạch và có tinh thần xây dựng với các nhà hoạch định chính sách châu Âu.

Hiện Facebook, Apple và Amazon chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Theo VietnamPlus
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.