Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản: Lỗ liên tiếp 3 năm, dòng tiền kinh doanh âm triền miên

Hoàng Lan - 11/07/2019 18:30 (GMT+7)

(VNF) - Liên tiếp 3 năm từ 2016 đến 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch HĐQT báo lỗ. Cũng trong giai đoại này, dòng tiền kinh doanh của Mường Thanh luôn âm. Đến hết năm 2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Mường Thanh âm hơn 707,6 tỷ đồng.

VNF
Mường Thanh đang khai thác 60 khách sạn trên khắp cả nước.

Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, năm 2018, Mường Thanh ghi nhận doanh thu 781,85 tỷ đồng, tăng khoảng 339 tỷ đồng so với năm 2017 (442,5 tỷ đồng) và tăng gấp 2,5 lần so với con số 315,5 tỷ đồng năm 2016.

Doanh thu tăng mạnh trong năm 2018 đã giúp Mường Thanh giảm lỗ từ 95 tỷ đồng xuống còn 12 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu tâm là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Mường Thanh liên tục âm. Cụ thể, năm 2016, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 396,8 tỷ đồng, năm 2017 con số này tăng lên 596,1 tỷ đồng, đến năm 2018 tăng vọt lên 707, 6 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kiểm toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ là phần rất quan trọng trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Bởi lẽ, dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.

Mường Thanh đã phải bù đắp dòng tiền thông qua hoạt động vay nợ. Năm 2018, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Mường Thanh ghi nhận 804,9 tỷ đồng tiền thu từ hoạt động đi vay, tăng nhẹ so với 783,3 tỷ đồng năm 2017.

Năm 2018, vốn chủ sở hữu của Mường Thanh tăng từ 1.696 tỷ đồng lên 3.689 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Mường Thanh đạt 12.782 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với hơn 6.781 tỷ đồng năm 2017. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 6.337 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 6.445 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2018, nợ phải trả của Mường Thanh là 9.093 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Phần lớn nợ phải trả của Mường Thanh là nợ ngắn hạn với 7.358 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là 2.112 tỷ đồng. Nợ phải trả dài hạn ở mức 1.734 tỷ đồng và không nợ vay dài hạn.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh được biết đến là đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú du lịch, với chuỗi khách sạn trải dài từ Tuyên Quang đến tận Cà Mau, thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, xét theo độ phủ. Theo giới thiệu, Mường Thanh đang khai thác 60 khách sạn, 11.500 phòng. Ngoài ra, Mường Thanh có 4 khách sạn trong quá trình xây dựng.

Ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh mới đây đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ án “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes do ông Thản làm Tổng giám đốc. Ông Lê Thanh Thản được tại ngoại trong quá trình điều tra.

Ông Lê Thanh Thản sáng lập chuỗi khách sạn Mường Thanh từ năm 1997. Khách sạn đầu tiên được xây dựng tại Điện Biên. Năm 2013, ông Lê Thanh Thản bổ nhiệm con gái đầu là bà Lê Thị Hoàng Yến làm Tổng giám đốc Mường Thanh. Bà Lê Thị Hoàng Yến sinh năm 1987. Trước khi gia nhập công ty gia đình, bà Yến trải qua 7 năm du học tại Anh, tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tài chính, đại học Brimingham.

Được biết đến nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh hoàn toàn thuộc sở hữu của gia đình ông Lê Thanh Thản. Trong đó, ông Lê Thanh Thản nắm giữ 68,5%; bà Lê Thị Hoàng Yến nắm giữ 19%, ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) nắm giữ 8,4% và và ông Lê Hải An sở hữu 4% vốn điều lệ công ty.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.