Tập đoàn Sao Mai (ASM) muốn huy động gần 1.800 tỷ đồng trong năm 2021

Việt Anh - 09/04/2021 14:01 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2021, Tập đoàn Sao Mai (ASM) kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 22% lên mức 700 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch huy động gần 1.800 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu và cổ phiếu mới.

VNF
Tập đoàn Sao Mai (ASM) muốn huy động 1.800 tỷ đồng vốn trong năm 2021

Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, dự kiến tổ chức vào ngày 28/4.

Đáng chú ý, trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, mặc dù doanh thu kỳ vọng của ASM chỉ tăng nhẹ 3,5% so với thực hiện năm trước lên 13.000 tỷ đồng, thế nhưng lợi nhuận sau thuế kỳ vọng tăng vọt lên 22% và neo ở mức 700 tỷ đồng. Với kế hoạch lạc quan, doanh nghiệp dự định chi trả cổ tức với tỷ lệ 10-20%.

Kết thúc năm 2020, ASM ghi nhận doanh thu đạt 12.565 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 574 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,6% và 30% so với thực hiện năm trước đó.

Tuy tình hình kinh doanh ảm đạm, song HĐQT ASM vẫn đề xuất trả cổ tức năm 2019 và trình cổ đông thông qua tỷ lệ trả cổ tức năm 2020 là 30%, tương đương giá trị gần 777 tỷ đồng. Được biết, nguồn thực hiện sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2020.

Hình thức chi trả sẽ được HĐQT lựa chọn nhằm phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh tại thời điểm chi, có thể bằng tiền, bằng cổ phiếu hoặc cả hai.

Một nội dung quan trọng khác, đó là ASM sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như hoạt động đầu tư bằng hình thức huy động trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm với tổng giá trị huy động tối đa đạt 500 tỷ đồng. Mệnh giá trái phiếu dự kiến là 1 tỷ đồng, số lượng phát hành tối đa 500 trái phiếu.

Lại suất dự kiến là thả nổi hoặc cố định hoặc kết hợp thả nổi và cố định tùy theo điều kiện thị trường, kỳ hạn từ 3-5 năm.

Ban lãnh đạo ASM cũng có tờ trình lấy ý kiến cổ đông về phương án phát hành hơn 129 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 hoặc quý I/2022.

Tổng số tiền huy động dự kiến là 1.294,3 tỷ đồng trong trường hợp đạt kỳ vọng, trong đó doanh nghiệp sẽ dùng 594,3 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và 700 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng.

Lúc này, vốn điều lệ của ASM sẽ tăng từ 2.589 tỷ đồng lên hơn 3.884 tỷ đồng.

Trong trường hợp không phát hành thành công, doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn vốn từ hoạt động kinh doanh và nguồn vay tín dụng có chi phí hợp lý để thực hiện đầu tư. Đồng thời, ASM lựa chọn giải ngân các dự án theo lộ trình thích hợp để không bị sức ép về tiến độ và nguồn tiền đầu tư.

Trên thị trường, kết phiên giao dịch sáng 9/4, cổ phiếu ASM giảm 200 đồng xuống 16.350 đồng/cổ phiếu.

Cùng chuyên mục
Tin khác