Tắt sóng 2G, hàng chục triệu điện thoại 'cục gạch' bỏ đi sẽ xử lý thế nào?

Ngọc Lưu - 08/12/2023 16:32 (GMT+7)

(VNF) - Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Với lộ trình tắt sóng 2G vào tháng 9/2024, hàng chục triệu điện thoại 2G không còn sử dụng được cũng sẽ phải bỏ đi và việc xử lý những thiết bị này như thế nào để không gây ảnh hưởng tới môi trường cũng là một vấn đề đầy thách thức.

VNF
Hàng chục triệu điện thoại 2G tại Việt Nam sắp tới sẽ trở thành rác.

Công nghệ 2G đã quá lạc hậu

2G only là công nghệ di động được phát triển tại Việt Nam từ năm 1993, theo thời gian nó đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đồng thời, những lỗ hổng bảo mật của công nghệ 2G được tội phạm mạng (hacker) khai thác ngày càng nhiều, thông qua việc phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua.

Theo đánh giá của ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử, việc tắt sóng 2G sẽ mang tới 3 lợi ích chính. Cụ thể, đối với xã hội, việc tắt sóng 2G giúp người dùng sẽ loại bỏ dịch vụ chất lượng thấp, tiếp cận được với dịch vụ tài chính công; Đối với doanh nghiệp, việc này giúp giảm bớt chi phí khai thác, cùng đất nước tham gia phát triển công nghệ xanh, trong thời điểm thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu; đối với Nhà nước, việc tắt sóng 2G giúp giải phóng băng tần công nghệ cũ, sử dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả quan trọng, phù hợp với mục đích chuyển đổi số quốc gia.

Đối với các nhà mạng, việc duy trì cùng lúc các công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G sẽ khiến việc khai thác, bảo dưỡng và vận hành rất tốn kém. Khi tắt sóng 2G và tới đây là 3G, trên mạng sẽ chỉ còn công nghệ 4G. Khi đó hạ tầng viễn thông của nhà mạng sẽ dành nguồn lực triển khai phục vụ 5G, tạo điều kiện cơ hội để đến năm 2030 Việt Nam có thể khai thác 6G.

Điện thoại 'cục gạch' thành rác

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết cả nước hiện còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Các nhà mạng đã có kế hoạch giảm dần số, tiến đến mục tiêu tháng 9/2024 sẽ không còn những thuê bao này.

 Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông.

Đến năm 2030, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bắt đầu công nghệ 6G, vì vậy, các điện thoại công nghệ 2G sẽ không còn được sử dụng, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Để chuẩn bị lộ trình tắt sóng 2G, một loạt chính sách đã được đưa ra. Tháng 7/2021, Bộ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất, bắt buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.

Bên cạnh đó, giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng để triển khai mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024; do đó, việc tắt sóng 2G là lộ trình không thể đảo ngược. Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng lớn tắt sóng 2G, 3G ở những khu vực có nhu cầu dịch vụ thấp, quy hoạch lại các băng tần 1800MHz, 1900MHz, tới đây sẽ không phục vụ cho máy 2G Only…

Cùng với đó, các nhà mạng tính đến phương án khóa, không để các dòng máy 2G gia nhập mạng mới, chỉ duy trì những điện thoại 2G hiện đang sử dụng trên hệ thống.

Liên quan đến việc xử lý các thiết bị 2G khi hết hạn sử dụng, không để ảnh hưởng đến môi trường, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã thông tin các thiết bị đầu cuối khi không còn sử dụng sẽ là rác thải điện tử, có quá trình thu gom riêng.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ đồng hành với các doanh nghiệp xây dựng quy trình thu gom những thiết bị điện tử, thiết bị khác khi không còn sử dụng để bảo đảm môi trường xanh.

Cùng chuyên mục
Tin khác