Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Nhiều năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) được ví như "tàu siêu tốc", không chỉ bởi kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng mà còn vì giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng vùn vụt, hiện đang là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất Việt Nam.
Năm 2015, Coteccons đạt doanh thu 13.668 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 732 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2012 – 2015, Coteccons tăng trưởng doanh thu bình quân tới 68%/năm, tăng trưởng lợi nhuận bình quân 79%/năm.
Nhưng có vẻ "tàu siêu tốc" Coteccons chưa muốn dừng lại, thậm chí còn lao nhanh hơn nếu xét về lợi nhuận. Mới đây, công ty này đã báo doanh thu lên đến 13.461 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng đầu năm 2016, tăng 64% so với cùng kỳ 2015, xấp xỉ doanh thu cả năm 2015.
Đáng chú ý, Coteccons báo lãi ròng lên đến 961 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 132% so với con số 413 tỷ đồng cùng kỳ 2015, vượt 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo lời của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Coteccons Nguyễn Bá Dương, công ty hướng đến mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2017. Xem ra kế hoạch này rất khả quan nếu Coteccons có thể giữ được tốc độ tăng trưởng "siêu tốc" như hiện nay, thậm chí nếu tốc độ chậm hơn nhiều (khoảng 35%/năm) thì công ty này vẫn hoàn thành được kế hoạch táo bạo này.
Lãi ròng gần nghìn tỷ trong 9 tháng đầu năm 2016, Coteccons thiết lập luôn kỷ lục EPS (lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu) ở mức "không tưởng" 19.445 đồng/cổ phiếu khi mà năm 2016 mới chỉ đi được 3/4 quãng đường.
Cũng vì lãi nhiều mà Coteccons mang thêm cả nghìn tỷ đi gửi ngân hàng trong 9 tháng qua.
Cụ thể, nếu như tổng các khoản tiền gửi ngân hàng của Coteccons hồi đầu năm 2016 là 2.757 tỷ đồng thì đến thời điểm kết thúc 9 tháng đầu năm 2016, con số này ở mức 3.780 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 1.023 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là, liệu tốc độ tăng trưởng "siêu tốc" của Coteccons có hàm chứa rủi ro?
Khác so với đối thủ Địa ốc Hòa Bình hiện đang có mức vay ngân hàng gấp đôi vốn chủ sở hữu tính đến hết ngày 30/06/2016, Coteccons hoàn toàn không sử dụng vốn vay ngân hàng trong kinh doanh. Theo lời của của ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons không muốn làm "mọi" cho ngân hàng.
Đây là một trong những điểm cộng rất lớn về vấn đề an toàn tài chính cho Coteccons. Bởi không giống như các nguồn vốn chiếm dụng từ nhà cung cấp hay khách hàng, nguồn vốn vay ngân hàng chứa đựng áp lực và nghĩa vụ trả nợ lớn hơn rất nhiều đối với doanh nghiệp, hơn nữa đa số các khoản vay đều phải thế chấp tài sản.
Riêng đối với trường hợp của ngành xây dựng, các doanh nghiệp thường xuyên phải chiếm dụng rất nhiều vốn từ khách hàng, thầu phụ và các đối tượng khác và coi đó là nguồn lực tài chính rất quan trọng để phát triển. Nếu vay thêm vốn ngân hàng, rủi ro sẽ cộng hưởng thêm khá nhiều.
Một dẫn chứng cụ thể, tính đến hết ngày 30/06/2016, tổng nợ phải trả (chủ yếu bao gồm nợ vay ngân hàng và các khoản nợ do chiếm dụng) của Địa ốc Hòa Bình ở mức 8.634 tỷ đồng, gấp tới 6,66 lần con số 1.296 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, tính đến hết ngày 30/09/2016, tổng nợ phải trả của Coteccons chỉ là 5.128 tỷ đồng, gấp 1,27 lần con số 4.028 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Thời điểm kết thúc ngày 30/06/2016, con số này cũng chỉ là 1,33 lần.
Không chỉ giữ được tình hình tài chính an toàn và lành mạnh dù tăng trưởng nhanh, Coteccons còn có lợi thế trong ngành khi áp dụng hình thức "tổng thầu thiết kế và thi công" (D&B) từ năm 2014.
Theo tính toán của ông Nguyễn Bá Dương, việc triển khai mô hình D&B sẽ giúp giảm thiểu khoảng 10% chi phí cho chủ đầu tư và 30% thời gian thi công. Điều này tạo ra lợi thế lớn cho Coteccons khi so sánh với các nhà thầu xây dựng khác, do đó tác động rất tích cực đến doanh thu.
Việc doanh thu của Coteccons tăng vùn vụt trong 3 năm trở lại đây có đóng góp quan trọng từ lợi thế này, tuy nhiên, thật khó để dẫn chứng ra con số cụ thể, bởi tăng trưởng doanh thu còn đến từ nhiều nguyên nhân quan trọng khác.
Nhưng có những con số cụ thể chứng minh được hiệu quả từ việc áp dụng hình thức D&B của Coteccons trong 3 năm trở lại đây, nhất là trong năm 2016.
Việc áp dụng hình thức D&B không chỉ là lợi thế giúp tăng trưởng doanh thu, mà còn khiến chi phí của bản thân Coteccons giảm xuống, trong đó có giá vốn và đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần giai đoạn 2014 – 9 tháng 2016 liên tục giảm dù mức độ giảm nhẹ, từ mức 93% năm 2014 xuống còn 92% năm 2015 và ở mức 91% trong 9 tháng đầu năm 2016.
Rõ ràng hơn rất nhiều là chi phí quản lý doanh nghiệp. Năm 2014, khi Coteccons chỉ vừa mới áp dụng hình thức D&B, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm khoảng 2,8% doanh thu. Sang năm 2015, khi các dự án áp dụng D&B vẫn chưa ghi nhận nhiều doanh thu, con số này là 2,7%.
Nhưng đến 9 tháng đầu năm 2016, chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ chiếm vỏn vẹn 1,3% doanh thu, nghĩa là giảm tới hơn một nửa nếu so với con số của cả năm 2015. Còn nếu so với con số 1,8% 9 tháng đầu năm 2015, mức giảm cũng đã là 0,5 điểm%.
Bên cạnh những lợi thế này, Coteccons cũng luôn duy trì được lượng tiền mặt dồi dào những vẫn lành mạnh (do không vay ngân hàng), là lợi thế lớn khi tham gia đấu thầu các công trình lớn.
Cơ cấu cổ đông của Coteccons cũng rất đa dạng và khá lý tưởng, trong đó, 2 cổ đông lớn nhất thuộc về một tổ chức nước ngoài (KUSTOSHEM – 21,23%) và một tổ chức trong nước (Công ty Kinh doanh và Đầu tư Thành Công – 17,09%), dù vậy, ông Nguyễn Bá Dương vẫn trực tiếp nắm cổ phần khá lớn nhưng không quá lớn với tỷ lệ 5,05%, đảm bảo ông Dương có trách nhiệm với công ty và với cổ phần của chính mình, nhưng cũng được các cổ đông khác kiểm soát quyền lực.
Với những nền tảng trên, có vẻ như "tàu siêu tốc" Coteccons vẫn sẽ tiếp tục lao nhanh nhưng khó lòng đổ ngã, trừ khi trong tương lai, Coteccons có những quyết định "chệch đường".
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.