Tay buôn siêu xe đắt đỏ nhất Việt Nam giã từ cuộc chơi
Trần Thủy -
19/10/2020 13:33 (GMT+7)
Để sở hữu một chiếc xe siêu sang, đại gia Việt phải chi hàng chục tỷ đồng tiền thuế phí. Thuế phí gấp từ 3 - 4 lần giá xe nhập khẩu khiến dung lượng thị trường bị thu hẹp. Kỳ vọng về thị trường tiềm năng “tan thành mây khói”.
Giã từ “cuộc chơi”
Công ty Cổ phần ô tô Regal và Rolls-Royce Motor Cars Hà Nội đã thông báo chấm dứt quan hệ hợp tác với Rolls-Royce Motor Cars (Anh Quốc). Vào năm 2013, Công ty Regal đã vượt qua nhiều cái tên lớn trong ngành ô tô để trở thành nhà phân phối chính thức xe Rolls-Royce tại Việt Nam và mở showroom đầu tiên tại Hà Nội năm 2014.
Đại diện của Công ty Regal cho hay lý do dừng hợp tác là bởi dung lượng thị trường không đủ lớn và hiệu quả kinh doanh chưa tốt.
Tại Việt Nam, số người giàu không ngừng tăng lên hàng năm và nhu cầu về hàng xa xỉ, trong đó có ô tô sang, cũng tăng theo. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đều đánh giá đây là thị trường tiềm năng. Các thương hiệu ô tô siêu sang đổ vào Việt Nam, trong đó có Rolls-Royce, Bentley,... với nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, thuế tiêu thụ đặc biệt đã thay đổi. Với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, trước thời điểm 1/7/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất áp dụng chỉ là 60% thì sau đó tăng rất cao.
Những xe có dung tích xi lanh từ 5.0L- 6.0L phải chịu mức thuế mới là 130% và từ 6.0L trở lên phải chịu 150%. Hầu hết các mẫu xe siêu sang đều có dung tích xi lanh từ 5.0L trở lên, vì vậy giá bị đội lên cao ngất ngưởng.
Ngay khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới chuẩn bị áp dụng, Rolls-Royce Motor Cars Hà Nội đã công bố bảng giá xe Rolls Royce, áp dụng từ ngày 1/7/2016. Theo đó chiếc Rolls-Royce Ghost Series II EWB, tăng khoảng 13 tỷ đồng và tăng “khủng” nhất là chiếc Rolls Royce Phantom phiên bản Đông A, từ 53,6 tỷ lên 83,8 tỷ đồng.
Tại sao những chiếc xe này lại có mức tăng “khủng” như vậy? Điều này được lý giải cụ thể như sau: Nếu một chiếc xe Rolls-Royce Ghost Series II EWB ở nước ngoài có giá bán 8 tỷ, khi về Việt Nam, đầu tiên nó sẽ bị đánh thuế nhập khẩu 52%. Tiếp theo, do sở hữu động cơ 6.6L, sẽ khiến chiếc xe chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 150% và sau đó là thuế giá trị gia tăng 10%.
Điều đáng nói là 3 mức thuế này lại đánh chồng lên nhau, khiến cho chiếc xe đội giá lên khoảng 33 tỷ đồng. Cộng thêm các chi phí vận chuyển, kho bãi, bảo hiểm, phí quản lý, lãi ngân hàng, lợi nhuận doanh nghiệp,... cuối cùng giá chiếc Ghost Series II EWB dừng lại ở con số khoảng 40 tỷ đồng.
Chưa hết khi khách hàng mua về, đi đăng ký phải nộp lệ phí trước bạ từ 10-12% giá bán, tính ra cũng trên 3 tỷ đồng nữa. Số tiền đóng lệ phí trước bạ này cũng đủ để mua 1 chiếc xe sang hoặc một căn hộ chung cư.
Hy vọng dần tắt
Chính vì thế, dung lượng thị trường xe siêu sang mới phát triển ngay lập tức bị thu hẹp. Năm 2016 là đỉnh cao nhập khẩu xe siêu sang về nước, chủ yếu để tránh thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, có khoảng 160 "xế khủng" đủ các dòng như siêu xe, siêu sang, có giá sau thuế từ 10 tỷ đến khoảng 80 tỷ đồng nhập khẩu đã được cấp đăng kiểm trong năm 2016. Với dòng xe siêu sang, thương hiệu Rolls-Royce nhập khẩu tới 24 chiếc, Bentley cũng nhập khẩu tới 43 chiếc.
Sau đó số lượng xe siêu sang đăng kiểm giảm dần. Cũng theo số liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2018, Rolls-Royce có 7 xe, trong đó 5 xe mới và 2 xe cũ; Benley có 10 xe, trong đó chỉ có 2 xe mới và 8 xe cũ. Sang năm 2019, số xe siêu sang đăng kiểm có tăng lên. Rolls-Royce có 10 xe, trong đó 8 xe mới và 2 xe cũ; Benley có 19 xe mới và 1 xe cũ.
Nhưng tới 2020 thì khó khăn lại xuất hiện với đại dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu về xe siêu sang lại giảm, xe mới nhập khẩu chính hãng về rất ít.
Phong trào chơi siêu xe, xe siêu sang tại Việt Nam đã giảm hẳn. Giờ người nào bỏ tiền ra mua một chiếc Rolls-Royce hay Bentley... sẽ được nhìn với con mắt kính nể hơn rất nhiều bởi phải có rất nhiều tiền và chịu chi.
Khi dung lượng thị trường thu hẹp, doanh số bán thấp thì kinh doanh sẽ không có hiệu quả. Trong khi đó, nhìn về tương lai chưa thấy gì sáng sủa. Nhiều người quan tâm doanh nghiệp nào sẽ thay thế Công ty Regal trở thành nhà phân phối chính thức xe Rolls-Royce, nhưng chưa có câu trả lời.
Việt Nam và Anh Quốc chưa ký hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Anh về Việt Nam sẽ không được giảm như từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, Anh đang muốn tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Việt Nam là thành viên và có cam kết giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về mức 0% vào năm 2030.
Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn ký Hiệp định thương mại tự do với Anh trên cơ sở Hiệp định EVFTA. Khi đó ô tô nhập khẩu từ Anh về Việt Nam sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi, giá xe Rolls-Royce hay Bentley sẽ giảm so với hiện nay.
Theo tính toán, một chiếc xe siêu sang nhập khẩu từ Anh có giá khai báo 400.000 USD, dung tích xi lanh trên 6.0L, về Việt Nam sẽ có giá sau thuế vào khoảng 1,66 triệu USD. Nhưng nếu mỗi năm thuế suất thuế nhập khẩu giảm khoảng 7%, thì sau 3 năm giá chiếc xe giảm khoảng 200.000 USD. Khi thuế giảm về 0%, chiếc xe này có giá khoảng 1,1 triệu USD, giảm gần 600.000 USD, tương đương với trên 13 tỷ đồng.
Trong khi, thu nhập của người Việt cao hơn, số người siêu giàu cũng nhiều hơn hiện nay, thì phong trào chơi siêu xe, xe siêu sang mới có hy vọng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.