Tên lửa Nga rơi xuống Ba Lan, NATO họp khẩn

Linh Anh - 16/11/2022 12:40 (GMT+7)

(VNF) - Một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống làng Przewodow ở miền đông Ba Lan, cách biên giới với Ukraine khoảng 6km hôm 15/11, khiến hai người thiệt mạng. Trước lo ngại cuộc xung đột tại Kiev có thể lan ra quốc gia thứ 3, Tổ chức các Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định họp khẩn.

VNF
Người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Ba Lan, ông Jacek Siewiersk (trái), và Người phát ngôn của chính phủ Ba Lan, Piotr Muller, đưa ra tuyên bố tại Warsaw sau khi tên lửa của Nga rơi trong biên giới của nước này.

Ngày 15/11, Bộ Ngoại giao Ba Lan thông báo 2 công dân nước này đã thiệt mạng sau khi một tên lửa do Nga sản xuất rơi xuống khu vực làng Przewodow ở miền đông quốc gia, cách biên giới với Ukraine chỉ 6km. Sự việc diễn ra trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Kiev.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau đã kêu gọi đại sứ Nga “ngay lập tức giải thích chi tiết” về vụ việc. Tuy nhiên, ngoại trừ nguồn gốc của tên lửa, chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh bên nào đứng sau vụ phóng tên lửa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các tên lửa của Nga đã tấn công Ba Lan, tuy nhiên Moscow phủ nhận trách nhiệm về vụ việc.

Theo tuyên bố được đưa ra Bộ Quốc phòng Nga, "không có cuộc tấn công nào vào các mục tiêu gần biên giới quốc gia Ukraine-Ba Lan được thực hiện bởi các phương tiện hủy diệt của Moscow". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết ông không có thông tin về vụ nổ ở Ba Lan.

Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này đang “theo dõi chặt chẽ” tình hình ở Ba Lan.

“Tôi gửi lời chia buồn và thông điệp mạnh mẽ nhất về sự ủng hộ và tình đoàn kết với Ba Lan và những người bạn Ukraine của chúng tôi. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và liên lạc với chính quyền Ba Lan cũng như các đối tác và đồng minh”, bà viết trên Twitter.

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, dữ liệu sơ bộ về quỹ đạo cho thấy tên lửa không được bắn đi từ Nga, nhưng kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra sau một cuộc điều tra cụ thể, với sự hỗ trợ của nhóm G7.

Các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết phòng thủ tập thể theo Điều 5 của tổ chức này, vì vậy nếu vụ rơi tên lửa là một cuộc tấn công nhằm vào Ba Lan, nguy cơ xung đột sẽ leo thang lên một tầm cao mới.

Hai nhà ngoại giao châu Âu cho biết Ba Lan đã yêu cầu cuộc họp của NATO theo Điều 4 của hiệp ước để tham vấn giữa các đồng minh. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Ba Lan cũng đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của một số đơn vị quân đội.

Một quan chức NATO cho biết liên minh đang phối hợp chặt chẽ với Ba Lan. Dự kiến, một cuộc họp giữa các quốc gia thành viên tổ chức sẽ được mở ngay trong ngày 15/11.

Fabrice Pothier, cựu trưởng phòng hoạch định chính sách của văn phòng tổng thư ký NATO, nói với Sky TV rằng trong một cuộc họp của NATO, các quan chức sẽ "tham khảo ý kiến của nhau, để đánh giá mối đe dọa và đưa ra hành động cụ thể".

"Từng inch lãnh thổ của NATO phải được bảo vệ!", Tổng thống Litva Gitanas Nausea viết trên Twitter.

Xem thêm >> Ba Lan và Đức tuyên bố quốc hữu hóa tài sản ‘ông lớn’ năng lượng Gazprom của Nga

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác