Thăng trầm cổ phiếu VinFast sau nửa tháng niêm yết tại Mỹ

Minh Ý - 01/09/2023 09:09 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ trong vài ngày gần đây, cổ phiếu VinFast đã sụt giảm mạnh và đang quay về mốc giá thời điểm mới niêm yết.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Trong phiên giao dịch mới nhất vào ngày 31/8, cổ phiếu VinFast giảm 15,9% xuống 34,71 USD. Đây là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp của nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam.

Mã cổ phiếu này cũng bất ngờ kết thúc tháng 8 với mức giảm hơn 6%, mặc dù ghi nhận nhiều phiên tăng đột biến trong vòng nửa tháng đầu niêm yết tại Mỹ.

Trước đó, 6 phiên tăng liên tiếp đã khiến mức tăng cộng gộp của cổ phiếu VinFast từ thời điểm bắt đầu niêm yết tăng tới gần 700%.

Nếu như ngày đầu tiên sau khi niêm yết, giá cổ phiếu VinFast ghi nhận mức tăng hơn 250% lên gần 40 USD/cổ phiếu và được coi là một "hiện tượng" sau khi ra mắt, thì sau nửa tháng, giá mã "VFS" đang có xu hướng quay về thời điểm bắt đầu, tức khoảng 35-40 USD/cổ phiếu.

Mức vốn hoá hiện tại theo thời gian thực của VinFast là 80 tỷ USD. Đáng chú ý, nhà sản xuất ô tô đã giảm từ mức vốn hoá trên 190 tỷ USD xuống dưới 100 tỷ USD chỉ trong vòng 3 phiên giao dịch.

Giờ đây, VinFast được định giá là công ty ô tô lớn thứ 5 thế giới, xếp sau Tesla, Toyota, Porsche và nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc. Mặc dù vậy, vốn hoá của công ty Việt Nam vẫn đang lớn hơn Mercedes-Benz, BMW hay Volkswagen. 

Đi kèm với sự sụt giảm của cổ phiếu VinFast là sự suy giảm trong khối tài sản ước tính của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Theo Forbes, khối tài sản tính theo thời gian thực của ông Vượng tính tới ngày 31/8 là 6 tỷ USD, xếp thứ 445 trên thế giới.

Kể từ thời điểm được niêm yết tại Mỹ, sự biến động của cổ phiếu VinFast nhận được sự quan tâm rộng rãi từ truyền thông Mỹ lẫn truyền thông trong nước. Các tờ như Bloomberg, Wall Street Journal hay Reuters không chỉ thường xuyên cập nhật về những mức tăng vượt trội của VFS mà còn đưa ra những nhận định về mức giá và dự đoán xu hướng tăng giảm của mã giao dịch này. 

Trong một bài viết vào cuối tháng 8, Bloomberg thậm chí gọi màn niêm yết của VinFast là "phép màu" trong số các công ty niêm yết thông qua SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt).

Ngoài ra, CNN còn thực hiện phỏng vấn CEO VinFast Lê Thị Thu Thuỷ trên chương trình tài chính ăn khách "First Moving" để tìm hiểu phương hướng của công ty sau khi niêm yết thành công tại Mỹ.

VinFast đã xây dựng được mạng lưới bán lẻ và dịch vụ với 122 showroom và xưởng dịch vụ VinFast trên toàn cầu. VinFast cũng mới khởi công nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mỹ vào ngày 28/7/2023, đánh dấu bước tiến mới trong kế hoạch phát triển thị trường, tự chủ nguồn cung tại khu vực Bắc Mỹ.

Trong năm nay, công ty dự báo doanh số sẽ đạt 45.000 - 50.000 xe. Trong thời gian tới, VinFast sẽ tiếp tục ra mắt VF 6, VF 7, VF 3 tại Việt Nam và các thị trường quốc tế.

Xem thêm >> Vốn hoá VinFast tiệm cận 200 tỷ USD, nhà đầu tư 'lãi to'

Cùng chuyên mục
Tin khác