Thanh toán liên ngân hàng đạt doanh số kỷ lục 73 triệu tỷ đồng
Nguyễn Hoài -
07/01/2019 14:14 (GMT+7)
(VNF) - “Đến cuối tháng 12/2018, doanh số thanh toán điện tử liên ngân hàng được ví như hệ thống thanh toán quốc gia đạt 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP 2018”, ông ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, vừa cho biết tại buổi họp báo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 7/1/2019.
Theo ông Dũng, số lượng và giá trị giao dịch bình quân mà hệ thống trên xử lý đạt trên 544 nghìn giao dịch/ngày, trên 289 nghìn tỷ đồng/ngày (tăng tương ứng 25% và 24% so với năm 2017). Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay.
Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) cũng đang trong quá trình thử nghiệm cuối cùng trước khi được vận hành chính thức phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, mạng lưới ATM/POS cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để phục vụ khách hàng. Tính đến cuối tháng 9/2018, trên toàn quốc có khoảng 18.173 ATM và khoảng 294.500 POS (tăng tương ứng 4,5 % và 13% so với cùng kỳ năm 2017) được lắp đặt.
Về phát triển công nghệ, dịch vụ thanh toán, trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ đạt gần 167 triệu giao dịch (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017) với giá trị giao dịch đạt 442 nghìn tỷ đồng.
Số liệu thống kê cho thấy mặc dù tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM vẫn tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng trong năm 2018 có xu hướng giảm dần (tỷ lệ số lượng, giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 là 17% và 22%, trong khi đó tỷ lệ này 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 là 12% và 16%).
Cùng với đó, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng; trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet là hơn 178 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 11 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 33% và 18% so với cùng kỳ năm 2017); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là gần 122 triệu giao dịch với giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 29% và 128% so với cùng kỳ năm 2017)...
Khá nhiều ngân hàng đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động và được đón nhận như: áp dụng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói…), sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), công nghệ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...
Cũng trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định số 241/QĐ-TTg).
Theo đó, đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai đề án phối hợp với các ngân hàng để nhờ thu hộ tiền khám chữa bệnh; số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân chiếm khoảng 21% tổng số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội…
Cũng theo ông Dũng, một điểm nhấn về mặt công nghệ ngân hàng trong năm 2018 được ghi dấu bằng việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” (Quyết định 1928/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018) làm cơ sở để các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng thống nhất một tiêu chuẩn tại thị trường Việt Nam, nhằm tăng cường mức độ an toàn, bảo mật và gia tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone