Tiêu điểm

Thanh tra 15 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, 2 nhà máy lọc dầu

(VNF) - Trước diễn biến hàng trăm cửa hàng đóng cửa vì thiếu xăng dầu, Thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định thanh tra 15 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và 2 nhà máy lọc dầu. Thời hạn thanh tra kéo dài 60 ngày làm việc.

Thanh tra 15 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, 2 nhà máy lọc dầu

Ảnh minh họa.

Ngày 13/10, Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTCP thanh tra về việc chấp hành, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Theo đó, quyết định của Thanh tra Chính phủ căn cứ vào các quy định của pháp luật về thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng cho thị trường trong nước.

Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ gồm 12 thành viên do ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Đoàn sẽ thực hiện thanh tra trong thời kỳ từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Thời hạn thanh tra của đoàn là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

Ngoài các đơn vị của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo các bộ và đơn vị như: Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Công ty là thương nhân đầu mối, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Cụ thể, trong Quyết định 396/QĐ-TTCP, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại một loạt doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước.

Tại miền Bắc, các doanh nghiệp đầu mối nằm trong đợt thanh tra có: Tập đoàn Xăng đầu Việt Nam, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội; Công ty TNHH Petro Bình Minh…

Miền Trung có 2 doanh nghiệp trong diện thanh tra, là Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.

7 doanh nghiệp tại miền Nam, gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam; Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP; Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa…

Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng tiến hành thanh tra 2 đơn vị sản xuất xăng dầu (PVN có cổ phần chi phối và không chi phối) là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). 

Cách đây 3 tháng, Thanh tra Chính phủ cũng lập tổ công tác, kiểm tra quản lý nhà nước về điều hành, kinh doanh xăng dầu tại 3 Bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học & Công nghệ và 16 doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Nhiều nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu trục trặc như chi phí kinh doanh chậm điều chỉnh trong cơ cấu tính giá cơ sở khiến doanh nghiệp đầu mối bị lỗ, cắt chiết khấu với thương nhân phân phối, đại lý. Còn hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu do chiết khấu quá thấp, 0 đồng, họ cũng lỗ trên mỗi lít xăng dầu bán ra. Nhiều cửa hàng bán lẻ tư nhân không trụ nổi do lỗ triền miên, buộc tạm đóng cửa.

Từ kỳ điều hành ngày 11/10, các phụ phí, chi phí trong kinh doanh xăng dầu (chi phí vận chuyển từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, chi phí tạo nguồn trong nước...) đã được Bộ Tài chính điều chỉnh, song liên bộ cho biết sẽ tiếp tục rà soát các chi phí để tính đúng, đủ trong cơ cấu giá.

Tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ ngày 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay đã giao các cơ quan nghiên cứu sửa quy định về điều hành xăng dầu, trong đó có rút ngắn kỳ điều hành... Ông cũng nhìn nhận, điều hành xăng dầu vừa qua chưa linh hoạt, chưa theo kịp diễn biến thị trường và cần kiểm điểm trách nhiệm cơ quan liên quan.

Trước đó, hai Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, có biện pháp chống găm hàng, đầu cơ...

Tin mới lên