Thanh tra kết luận gì về vai trò của AMAX trong thương vụ Mobifone mua AVG?

Thanh Long - 15/03/2018 17:42 (GMT+7)

(VNF) – AMAX đưa ra định giá "trên trời" đối với AVG, vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành. Đặc biệt, AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán của AVG là 13.448 tỷ đồng.

VNF
95% cổ phần AVG được VCBS định giá trên 24.500 tỷ đồng, trong khi AMAX định giá trên 16.500 tỷ đồng

Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây cho thấy, quá trình định giá thương vụ này vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành.

Định giá AVG ‘trên trời’, VCBS cùng 3 công ty dính vi phạm nghiêm trọng

Đơn vị tư vấn thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS). VCBS đã thuê 2 công ty khác để thẩm định mức giá cho 95% cổ phần AVG, trong khi đó, Mobifone thuê thêm 1 công ty định giá khác.

Theo kết luận thanh tra, VCBS đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC) xác định giá trị AVG nhưng kết quả thẩm định giá của AASC không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Cụ thể, AASC xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là 33.299,48 tỷ đồng trên cơ sở dữ liệu kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận liên tục, đột biến gắn liền với kế hoạch đầu tư thêm 599 tỷ đồng, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG.

Đáng chú ý là, VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC cho Mobifone nhưng không có sự thỏa thuận với AASC, vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá trị AVG do AASC thực hiện là 33.299,48 tỷ đồng; do VCBS thực hiện là 24.548,19 tỷ đồng không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy.

VCBS vi phạm nghiêm trọng quy định về định giá trong thương vụ Mobifone mua AVG

Cùng với đó, VCBS đã thuê Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu) xác định giá trị AVG, nhưng kết quả thẩm định giá của Hanoi Valu không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Cụ thể, xác định giá trị tài sản vô hình từ dữ liệu kế hoạch giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với tốc độ tăng trưởng liên tục, đột biến, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG; dữ liệu do AVG lập để tính giá trị AVG không phục vụ cho mục đích thẩm định giá của Mobifone; không thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản, đánh giá lại tài sản; không thực hiện đầy đủ nội dung khảo sát thực tế, thu thập thông tin về doanh nghiệp; giá trị AVG do Hanoi Valu thẩm định tại thời điểm 31/3/2015 là 18.519,9 tỷ đồng không có cơ sở tin cậy.

Ngoài ra, Mobifone thuê Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) thẩm định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015; sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX theo phương pháp tài sản để đàm phán giá mua cổ phần của các cổ đông AVG.

"Nhưng việc thẩm định giá của AMAX đã vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cụ thể: đã sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá, trong khi số liệu này không có cơ sở; vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá. Vì vậy, giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31/3/2015 là 16.565 tỷ đồng không có cơ sở pháp lý, không tin cậy, Mobifone đã sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG về giá mua cổ phần", Thanh tra Chính phủ cho biết.

Mobifone vi phạm quy định của Luật Đấu thầu

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá trị AVG và tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Mobifone đã có những khuyết điểm, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy; vi phạm quy định các tiêu chuẩn thẩm định giá; giới hạn không đúng nhiều nội dung quan trọng, nhất là về cơ sở, tính khả thi của nguồn số liệu kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 của AVG mà đơn vị tư vấn đã sử dụng để xác định giá trị AVG; đáng chú ý là AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp, không có cơ sở để tính "giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán".

"Nhưng Mobifone đã nghiệm thu kết quả thẩm định giá; nhận xét, đánh giá kết quả thẩm định giá của AMAX ‘tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam’, thể hiện thiếu trách nhiệm. Tổng số tiền theo hợp đồng mà Mobifone đã ký với 2 công ty tư vấn là 3,19 tỷ đồng; đã chi số tiền 1,54 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Mobifone", Thanh tra Chính phủ cho hay.

Thêm vào đó, theo Thanh tra Chính phủ, khi đàm phán giá mua cổ phần, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỷ đồng để đàm phán giá mua cổ phần mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỷ đồng, riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỷ đồng; AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định "Giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng".

AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp, không có cơ sở để tính "giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán" của AVG

"Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng", Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Chi tiết hơn, Thanh tra Chính phủ dẫn chứng, nguy cơ thiệt hại trên bao gồm thiệt hại 1.134 tỷ đồng do mua nợ phải trả của AVG, thiệt hại do định giá không có cơ sở đối với 4 kênh tần số mà AVG được Bộ TTTT cấp phép và thiệt hại do không lại trừ 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG.

Theo Thanh tra Chính phủ, 4 kênh tần số mà AVG được Bộ TTTT cấp phép sử dụng để thực hiện thí điểm "Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền" do AVG hợp tác với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm).

Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 4 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN.

Do không đấu giá, chưa có giám định giá nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 4 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng).

Thêm nữa, khi mua cổ phần AVG, Mobifone đã không loại 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG (đầu tư tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P với tổng số tiền 2.473,2 tỷ đồng) là không đúng chỉ đạo của Bộ TTTT, vi phạm Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ: "Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015", là hành vi làm trái quy định, tiềm ẩn nguy cơ lỗ lớn khi AVG thoái vốn đầu tư theo giá thị trường, làm giảm lợi nhuận hợp nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

"Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Ban Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán, các bộ phận liên quan thuộc Mobifone", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Cùng chuyên mục
Tin khác