Bất động sản

Thập kỷ thăng trầm của dự án Nam Hội An và chuyển biến bất ngờ năm 2021

(VNF) – Xuất hiện lần đầu vào năm 2010 với tư cách là dự án FDI lớn nhất năm, Nam Hội An được khởi công vào tháng 4/2016 và đã hoàn thành giai đoạn I. Hiện nay, dự án đang đứng trước khả năng điều chỉnh thành khu đô thị nghỉ dưỡng.

Thập kỷ thăng trầm của dự án Nam Hội An và chuyển biến bất ngờ năm 2021

Thập kỷ thăng trầm của dự án Nam Hội An và chuyển biến bất ngờ năm 2021

Lược sử Nam Hội An

Năm 2010, thông tin về một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bao gồm hoạt động vui chơi giải trí có thưởng, tổng mức đầu tư lên tới 4 tỷ USD đã thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư – kinh doanh cả nước. Dự án có tên khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An do Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Genting đề xuất tại vùng đất thuộc huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ năm ấy, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay Genting và VinaCapital đề xuất dự án có quy mô 320ha với tên gọi Resort World Nam Hội An – nằm trong dự án phát triển tổng thể cơ sở hạ tầng khu du lịch và nghỉ dưỡng Nam Hội An với diện tích 2.360ha.

Tập đoàn VinaCapital sẽ đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trên quy hoạch tổng thể của toàn bộ 2.360ha với quy mô yêu cầu xây dựng và phát triển 7.200 phòng khách sạn, căn hộ và tiện ích công cộng phục vụ cho việc phát triển kinh tế trong khu vực.

Tập đoàn VinaCapital và Resort World (thành viên của Genting) sẽ trực tiếp đầu tư, xây dựng và điều hành Resort World Nam Hội An, bao gồm khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng được phát triển chia làm nhiều giai đoạn phát triển.

Riêng khu kinh doanh trò chơi có thưởng sẽ dành cho người nước ngoài với quy mô 144 bàn chơi bài lá và 2.000 máy chơi có thưởng, “tương tự như phương thức hoạt động của dự án Hồ Tràm tại Vũng Tàu”.

Dù vốn đăng ký là 4 tỷ USD, việc góp vốn điều lệ cũng sẽ được tiến hành qua bốn giai đoạn khác nhau, trong đó giai đoạn 1 sẽ chỉ phải góp 236 triệu USD trong tổng số 800 triệu USD vốn điều lệ của dự án.

Tham vọng của Liên doanh VinaGenting là rất lớn, tuy nhiên mọi việc không xuôi chèo mát mái như kỳ vọng. Tháng 9/2012, Genting bất ngờ rút lui khỏi dự án. VinaCapital phải một mình theo đuổi và nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư thay thế.

Giữa năm 2013, VinaCapital đã tìm được một đối tác mới là tập đoàn Peninsula Pacific (Mỹ), được xem là một trong những tập đoàn có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh casino, đã thực hiện thành công 7 dự án tương tự tại Mỹ. Tuy nhiên, việc đàm phán vẫn không thành công.

Tháng 4/2015, VinaCapital đã đạt được thỏa thuận tiếp tục phát triển dự án với Chow Tai Fook (công ty Golden Yield Enterprise - GYE) và SunCity. Trong đó, GYE là nhà phát triển cùng với VinaCapital còn SunCity chỉ tham gia với vai trò quản lý lĩnh vực casino.

Thỏa thuận quan trọng này đã đưa đến việc dự án Nam Hội An được chính thức khởi công vào tháng 4/2016 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đến thời điểm khởi công, Nam Hội An được giới thiệu có diện tích 985ha, thuộc 3 xã: Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình – tỉnh Quảng Nam). Dự án dự kiến hoàn tất vào năm 2035.

Giai đoạn I của dự án sẽ được phát triển trên diện tích khoảng 163ha với mức đầu 500 triệu USD gồm sân golf 18 lỗ có tiêu chuẩn thi đấu quốc tế và khu nghỉ dưỡng 1.000 phòng.

Năm 2017, một chuyển biến khá quan trọng diễn ra tại Nam Hội An là SunCity bất ngờ gửi hồ sơ lên Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông thông báo sẽ mua lại 34% cổ phần từ GYE. Vào thời điểm đó, GYE đang nắm giữ 68,09% cổ phần, VinaCapital giữ 31,91% cổ phần tại Nam Hội An.

Trải qua 2 lần trì hoãn, tháng 8/2018, SunCity đã hoàn tất việc chuyển nhượng 34% cổ phần dự án Nam Hội An từ GYE.

Tính đến năm 2021, dự án Nam Hội An đã hoàn thành giai đoạn I và đang chuẩn bị triển khai giai đoạn II. Chính trong lúc này, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – chủ đầu tư dự án, lại xin điều chỉnh dự án từ khu nghỉ dưỡng thành khu đô thị nghỉ dưỡng.

Tháng 5/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trình Thủ tướng Chính phủ cho chuyển khu nghỉ dưỡng Nam Hội An thành khu đô thị nghỉ dưỡng.

Tháng 8 cùng năm, để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở trong khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, tỉnh Quảng Nam đề nghị chủ đầu tư Nam Hội An chấp thuận một số điều kiện.

Cụ thể, chủ đầu tư phải bố trí 5% tổng diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội; 3% tổng diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để bàn giao lại cho địa phương phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án có nhu cầu bố trí tái định cư trên địa bàn.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh cơ cấu, giảm tối đa diện tích đất xây dựng nhà ở thấp tầng (biệt thự, nhà liên kế…) để tăng diện tích xây dựng nhà chung cư, tăng hệ số sử dụng đất.

Đáng chú ý, tỉnh cũng đề nghị chủ đầu tư không được bán nhà cho người nước ngoài tại dự án này.

Nam Hội An làm ăn ra sao?

Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An được thành lập ngày 10/12/2010, đóng trụ sở tại xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Trước năm 2016 (thời điểm khởi công), Nam Hội An do ông Lê Minh Phúc làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Phúc sinh năm 1970, quốc tịch Việt Nam, thường trú tại TP. Đà Nẵng.

Năm 2016, vị trí tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật được chuyển sang ông Lam Chi Keung, sinh năm 1962, người Anh, thường trú tại Hồng Kông.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy vốn điều lệ của Nam Hội An vào thời điểm này là 15.600 tỷ đồng, tương đương 800 triệu USD, 100% được sở hữu bởi Công ty Đầu tư Nam Hội An, có trụ sở chính tại One Raffles Place, Singapore.

Có 6 người được ủy quyền góp vốn, mỗi người 2.600 tỷ đồng, gồm: Lo Kai Bong (Hong Kong), Morton Peter Douglas (Hong Kong), Brook Colin Taylor (Wellington, New Zealand), Don Di Lam (Canada), Chong Tin Lung Benny (Hong Long), Chau Cheok Wa (Macau). Thời điểm góp vốn là ngày 18/5/2016.

Năm 2019, Nam Hội An diễn ra sự thay đổi về người đại diện theo pháp luật. Theo đó, công ty có tới 4 người đại diện theo pháp luật gồm: ông Steven Wolstenholme (sinh năm 1960, người Mỹ); ông Benoit, Andre, Henri Amado (sinh năm 1977, người Pháp); ông Khoo Shing Yan (sinh năm 1974, người Malaysia) và ông Lam Chi Keung (sinh năm 1962, người Anh).

Tháng 1/2021, Nam Hội An bất ngờ giảm vốn rất sâu xuống chỉ còn 3.896 tỷ đồng, tương đương 171,13 triệu USD.

Tháng 3/2021, ông Khoo Shing Yan không còn xuất hiện trong danh sách những người đại diện theo pháp luật của Nam Hội An. Người thay thế được ghi nhận vào tháng 8 cùng năm là bà Gillian Murphy, sinh năm 1950, quốc tịch Anh.

Một diễn biến đáng chú ý khác là từ 12/7/2021, toàn bộ vốn điều lệ của Nam Hội An đều được ủy quyền qua 1 cá nhân duy nhất là ông Steven Wolstenholme.

Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy giai đoạn 2017 – 2019, Nam Hội An không ghi nhận doanh thu và báo lỗ sau thuế rất đậm, lần lượt là: -114 tỷ đồng, -381 tỷ đồng và -471 tỷ đồng.

Tổng tài sản trong cùng giai đoạn có sự tăng trưởng mạnh, từ 4.955 tỷ đồng (2017) lên 11.186 tỷ đồng (2018) rồi 19.290 tỷ đồng (2019).

Tin mới lên