Thế giới tuần qua: Động đất mạnh tại Trung Quốc, NDT vượt Yên về độ phổ biến

Linh Anh - 24/12/2023 12:13 (GMT+7)

(VNF) - Trận động đất mạnh 6,2 độ richter tại Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người, Triều Tiên phóng tên lửa ICBM lần thứ 5 trong năm, Angola tuyên bố rời OPEC,... là những tin tức đặc biệt được chú ý trong tuần qua.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Động đất tại Trung Quốc

Một trận động đất mạnh 6,2 độ richter đã làm rung chuyển một khu vực miền núi xa xôi ở rìa phía bắc của cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng ngay trước nửa đêm ngày thứ Hai (18/12), khiến ít nhất 118 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

CCTV đưa tin cơn chấn động kéo dài gần 20 giây và được cảm nhận ở thủ phủ tỉnh Lan Châu cách đó 102km.

Trận động đất mạnh xảy ra khiến người dân phải chạy trốn ra ngoài trong điều kiện giá rét, nhiệt độ dưới 0 độ C. Hàng nghìn ngôi nhà được cho là đã bị hư hại và truyền thông nhà nước cũng cho biết cơ sở hạ tầng công cộng đã bị hư hại “ở các mức độ khác nhau”.

Dư chấn tiếp tục diễn ra vào sáng 19/12, với một số cơn chấn động có cường độ từ 3,0 - 4,5 độ richter.

Đây là trận động đất nguy hiểm nhất ở Trung Quốc kể từ trận động đất Yushu năm 2010, cũng xảy ra ở Cam Túc và Thanh Hải, có cường độ 6,9 độ richter và khiến ít nhất 2.698 người thiệt mạng.

Tân Hoa Xã cho biết do khu vực xảy ra thảm họa nằm ở vùng cao, có thời tiết lạnh nên các nỗ lực cứu hộ đang được thực hiện nhằm ngăn chặn các thảm họa thứ cấp do các yếu tố ngoài trận động đất gây ra. Nhiệt độ ở Linxia, ​​Cam Túc, gần nơi xảy ra trận động đất, là khoảng âm 14 độ C (6,8°F) vào sáng 19/12.

Theo truyền thông Trung Quốc, ít nhất 131 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương sau trận động đất, trong khi các quan chức cho biết các nỗ lực cứu hộ "về cơ bản đã kết thúc" vào ngày 20/12.

Triều Tiên phóng tên lửa ICBM Hwasong-18 lần thứ 5 trong năm

Theo KCNA, ngày 18/12, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18. Tên lửa đã đạt tới độ cao tối đa 6.518,2 km và bay 1.002,3 km trong khoảng 73 phút, trước khi hạ cánh chính xác xuống khu vực đã định sẵn ở vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thị sát vụ phóng và cho biết vụ phóng thử gửi một tín hiệu rõ ràng tới các thế lực thù địch cũng như thể hiện ý chí và sức mạnh vượt trội của Triều Tiên.

Đây là vụ phóng ICBM thứ 5 của Triều Tiên trong năm nay. Trong năm 2023, Triều Tiên đã phóng ICBM Hwasong-15 và Hwasong-17 lần lượt vào tháng 2 và tháng 3. Nước này cũng đã phóng thử tên lửa Hwasong-18 dùng nhiên liệu rắn vào tháng 4 và tiến hành thử nghiệm lần thứ hai đối với tên lửa này trong tháng 7.

Mặc dù Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng thử này không gây tác động tiêu cực đối với an ninh của các nước láng giềng, nhưng Nhật Bản cho rằng tên lửa mới nhất của Triều Tiên có khả năng vươn tới mọi địa điểm trên lãnh thổ Mỹ.

Ngay sau vụ phóng, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) đã tăng cường mức cảnh giác cao. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản đã triển khai một hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa của Triều Tiên trong thời gian thực. Mỹ - Nhật - Hàn cũng cùng nhau xây dựng một kế hoạch nhiều năm cho các cuộc tập trận quân sự 3 bên nhằm mục tiêu tìm giải pháp ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Cận cảnh tên lửa ICBM Hwasong-18 của Triều Tiên.

 

Angola tuyên bố sẽ rời OPEC

Ngày 21/12, Bộ trưởng Dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo tuyên bố nước này sẽ rời khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh OPEC đang nỗ lực kêu gọi các nước thành viên cắt giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu đang đà giảm mạnh trên thị trường thế giới. 

Theo Bộ trưởng Azevedo, sự tham gia của Angola trong OPEC không còn phục vụ lợi ích đất nước nữa, song không giải thích cụ thể.

Hồi tháng 11, văn phòng của Bộ trưởng Azevedo đã phản đối quyết định của OPEC về cắt giảm hạn ngạch khai thác dầu cho năm 2024. Vào thời điểm đó, đại diện của Angola tại OPEC, ông Estevao Pedro đã nói rằng Angola không hài lòng đối với mục tiêu khai thác mà OPEC đề ra cho năm 2024. Quan chức này cũng nói rằng Angola không có kế hoạch tuân theo một kế hoạch như vậy. 

Angola gia nhập OPEC vào năm 2007. Sản lượng khai thác dầu của quốc gia ở Tây Nam châu Phi này đạt khoảng 1,1 triệu thùng mỗi ngày, so sản lượng khai thác 28 triệu thùng dầu mỗi ngày của OPEC.

Nhật Bản phê duyệt dự thảo ngân sách gần 800 tỷ USD

Ngày 22/12, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt dự thảo ngân sách khoảng 112.000 tỷ yên (789 tỷ USD) cho năm tài chính 2024.

Dự thảo ngân sách này đánh dấu lần đầu tiên sau 12 năm, Nhật Bản giảm chi tiêu do nguồn tài trợ liên quan đến COVID-19 bị hạn chế trong khi vẫn phải duy trì kỷ luật tài chính, tăng chi tiêu quốc phòng và an sinh xã hội ở mức kỷ lục.

Khoản ngân sách này thấp hơn khoảng 2.310 tỷ yen so với năm tài chính hiện tại, không bao gồm ngân sách bổ sung. Tuy nhiên, quy mô ngân sách vẫn ở mức cao so với các thời kỳ. Điều này phản ánh những khó khăn trong việc giảm chi tiêu xuống mức trước đại dịch như chính phủ dự kiến. 

Đáng chú ý, khoảng 1/4 trong tổng số ngân sách, tương đương khoảng 27.000 tỷ yen, sẽ được sử dụng để trả nợ vì tình hình tài chính của Nhật Bản vẫn ở mức tồi tệ nhất trong số các quốc gia phát triển. Đây là chi phí trả nợ cao nhất từ trước đến nay, tăng từ 25.250 tỷ yen trong ngân sách tài chính ban đầu năm 2023.

NDT trở thành đồng tiền phổ biến thứ 4 trên thế giới

Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ thanh toán toàn cầu Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc một lần nữa vượt qua đồng Yên của Nhật Bản, trở thành đồng tiền thanh toán lớn thứ 4 trên thế giới.

Cụ thể, với tỷ lệ sử dụng chiếm 4,61% trong tháng 11, đồng NDT đã trở thành đồng tiền phổ biến thứ 4 trên thế giới. Đây là lần thứ 2 đồng NDT vượt qua đồng Yên của Nhật Bản để chiếm vị trí này, kể từ lần đầu xảy ra từ tháng 1/2022.

Theo SWIFT, giá trị thanh toán bằng NDT đã tăng 34,87% so với tháng 10/2023, trong khi mức tăng của các loại tiền tệ thanh toán nói chung là 5,35%.

Trong tháng 11, đồng USD, đồng EUR và bảng Anh đứng trong top 3 với tỷ lệ lần lượt là 47,08%, 22,95% và 7,15% trên bảng xếp hạng số tiền thanh toán bằng các loại tiền tệ chính. Đồng Yên Nhật rơi xuống vị trí thứ 5, chiếm 3,41%.

Xem thêm >> Quà Giáng sinh của tỷ phú: Từ túi Birkin đính kim cương đến cả vườn nho

Cùng chuyên mục
Tin khác