Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Lũ lụt kinh hoàng tại Libya, EU - Trung Quốc bất hoà vì giá xe điện

(VNF) - Nếu như trong tuần trước, một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra tại Maroc, thì sang tuần này, một trận lũ lụt lớn nhất trong nhiều thập kỷ đã xảy ra tại Libya, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và mất tích.

Thế giới tuần qua: Lũ lụt kinh hoàng tại Libya, EU - Trung Quốc bất hoà vì giá xe điện

Ảnh minh hoạ.

Lũ lụt tại Libya

Ngày 10/9, cơn bão Daniel đã quét qua vùng đông bắc Libya, mang theo mưa lớn và giông bão đến các thành phố dọc bờ biển Địa Trung Hải. Quốc gia bị chia cắt bởi chiến tranh và được quản lý bởi 2 chính phủ đối địch dường như đã "thất thủ" trước thảm hoạ thiên nhiên chưa từng có.

Ông Osama Aly, người phát ngôn của Dịch vụ Cấp cứu và Xe cứu thương, chia sẻ với kênh Al Hurra: “Libya chưa được chuẩn bị cho một thảm họa như vậy. Quốc gia này chưa từng chứng kiến ​​thảm hoạ ở mức độ đó trước đây. Chúng tôi thừa nhận có những thiếu sót vì đây là lần đầu tiên chúng tôi đối mặt với mức độ thảm họa cao như vậy”.

Nhiều ngôi nhà, bệnh viện và các cơ sở dân sự quan trọng khác bị ngập lụt. Thành phố Derna, nơi ở của khoảng 125.000 người dân, bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi 2 con đập bị vỡ khiến nước lũ tràn vào và phá huỷ 1/4 thành phố.

Ông Hichem Abu Chkiouat, bộ trưởng hàng không dân dụng trong chính quyền kiểm soát miền Đông, cho biết: "Tôi không phóng đại khi nói rằng 25% thành phố đã biến mất. Rất nhiều tòa nhà đã sụp đổ".

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hôm 16/9, số người chết do lũ lụt tại Libya đã tăng lên ít nhất 11.300 người.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết thêm 170 người đã thiệt mạng bên ngoài Derna do lũ lụt. Và chỉ riêng ở Derna, ít nhất 10.100 người vẫn mất tích. 

“Những con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên khi các đội tìm kiếm và cứu hộ làm việc không mệt mỏi để tìm kiếm những người sống sót”, cơ quan này cho biết thêm.

Liên hợp quốc cho biết hơn 40.000 người đã phải di dời trên khắp vùng đông bắc Libya kể từ khi lượng mưa cực lớn do Bão Daniel mang lại.

Giá dầu lập đỉnh 10 tháng

Theo CNN, ngày 12/9 (giờ Mỹ), giá dầu thô Brent đã tăng gần 2% lên mức cao nhất trong ngày là 92,38 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 17/11/2022.

Giá dầu ở Mỹ tăng 2,3% lên tới 89,29 USD một thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Mức cao mới của giá dầu được ghi nhận sau tin tức lũ lụt kinh hoàng tại Libya, một quốc gia xuất khẩu dầu thuộc OPEC. Ít nhất 5.000 người đã thiệt mạng và 10.000 người được cho là mất tích sau trận lũ lụt chết người làm vỡ đập và cuốn trôi vô số ngôi nhà tại đây.

Theo các nhà phân tích, thảm họa mới nhất sẽ tạm thời làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu từ quốc gia OPEC này. Theo OPEC, nước này đã sản xuất khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 8. 

Về tác động với thế giới, các chuyên gia nhận định giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao với người tiêu dùng và làm tăng thêm lạm phát trên toàn nền kinh tế Mỹ.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến Nga

Ngày 12/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Nga bằng đoàn tàu bọc thép màu xanh quen thuộc để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Kim kể từ năm 2019, đặc biệt diễn ra trong bối cảnh các quốc gia phương Tây cáo buộc Bình Nhưỡng và Moscow hợp tác bán vũ khí cho nhau.

Một ngày sau, ông Kim Jong Un tham quan sân bay vũ trụ Vostochny ở Vùng Amur với Tổng thống Nga Vladimir Putin và tham dự hội đàm.

Trong cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng đất nước của ông “sẽ luôn sát cánh cùng với Nga chống lại chủ nghĩa đế quốc”. Ông cũng mời ông Putin đến thăm Bình Nhưỡng và nhà lãnh đạo Nga đã nhận lời.

Sau đó, đến ngày 15/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đến thăm quần thể hàng không quân sự và dân sự ở thành phố Komsomolsk-on-Amur thuộc vùng Khabarovsk. Cơ sở này là nhà máy sản xuất hàng không lớn nhất đất nước, đồng thời chế tạo và phát triển máy bay chiến đấu cho Bộ Quốc phòng, bao gồm cả máy bay chiến đấu Su-35S và Su-57, truyền thông nhà nước TASS đưa tin. 

Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov cho biết sau chuyến công du rằng Moscow nhìn thấy “tiềm năng hợp tác cả trong sản xuất máy bay và các ngành công nghiệp khác” với Triều Tiên, theo thông cáo báo chí của chính phủ Nga trên kênh Telegram.

Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng hợp tác cả trong sản xuất máy bay và các ngành công nghiệp khác - điều này đặc biệt phù hợp để đạt được các nhiệm vụ mà các quốc gia chúng ta phải đối mặt nhằm đạt được chủ quyền về công nghệ”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ xây dựng “mối quan hệ láng giềng tốt đẹp” với Triều Tiên, trong bối cảnh phương Tây cảnh báo rằng Moscow không được vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng.

EU 'lục đục' vì ngũ cốc Ukraine

Theo Wall Street Journal, ngày 16/9, việc xuất khẩu thực phẩm của Ukraine đã trở thành một vấn đề chính trị nhức nhối ở EU, sau khi Brussels quyết định chấm dứt các hạn chế của khối đối với việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhưng một số nước ở sườn phía Đông của châu Âu ngay lập tức bác bỏ quyết định này.

Các quyết định của Ba Lan, Hungary và Slovakia cấm ngũ cốc của Ukraine đã làm nảy sinh tranh chấp kéo dài giữa Brussels và các thành viên phía Đông của EU. Sự bất đồng đã khơi dậy căng thẳng trong khối và gây chia rẽ giữa Ukraine và Ba Lan, một trong những đồng minh gần gũi của Kiev trong suốt cuộc xung đột với Nga.

Trước đó, ngày 15/9, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cho biết sẽ đình chỉ lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine đối với 5 quốc gia láng giềng của UKraine là Ba Lan, Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia.

Quyết định này được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa Ukraine và các quốc gia thuộc hành lang vận chuyển hàng hoá của Ukraine vào châu Âu theo một quyết định được đưa từ tháng 5/2022.

Theo đó, từ khi EU cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc dự trữ qua khối này, một số quốc gia như Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã trở thành các quốc gia trung chuyển ngũ cốc Ukraine, và sau đó bị ảnh hưởng bởi tình trạng bán phá bởi giá nông sản Ukraine.

Theo các thỏa thuận mới của EU, Ukraine đã đồng ý thực hiện các bước nhanh chóng để ngăn chặn sự gia tăng xuất khẩu ngũ cốc sang khối. Ủy ban châu Âu đã đồng ý kiềm chế áp đặt các hạn chế miễn là các biện pháp của Ukraine có hiệu quả.

Các nước thành viên EU có nghĩa vụ phải tuân thủ các quyết định thương mại của Brussels. Các quan chức EU cho biết lệnh cấm đơn phương nhập khẩu ngũ cốc của Ba Lan và các nước láng giềng vào mùa xuân có thể vi phạm luật pháp EU.

EU - Trung Quốc có bất hoà mới

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 14/9 cho biết khối này quyết định mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện giá rẻ đến từ Trung Quốc. Bà Leyen cáo buộc Bắc Kinh giữ giá ô tô "thấp một cách giả tạo bằng các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước".

Giá thành rẻ được xem là “con át chủ bài” của xe điện Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Jato Dynamics, giá ô tô Trung Quốc rẻ hơn khoảng 30% so với các sản phẩm có cùng chất lượng ở châu Âu và Mỹ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh EU đang tìm cách coi Bắc Kinh là đối thủ về mặt kinh tế và địa chính trị, nhưng cũng là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia thành viên và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ xanh của mình.

Một ngày sau thông báo của bà von der Leyen, Bộ Thương Mại Trung Quốc đã tố cáo “chủ nghĩa bảo hộ trắng trợn” của EU và cho biết các biện pháp này "sẽ phá vỡ nghiêm trọng ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu, gồm cả EU, đồng thời sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc - EU".

Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo cuộc điều tra nói trên sẽ tác động "tiêu cực" đến quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên. "Trung Quốc tin rằng cuộc điều tra mà EU đề xuất trên thực tế là để bảo vệ ngành công nghiệp của chính họ dưới danh nghĩa cạnh tranh công bằng”, Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ.

Dù vậy, nhiều lãnh đạo của EU khẳng định rằng kinh tế của khối này có thể ''đứng vững trước bất kỳ hành vi trả đũa nào từ phía Trung Quốc''.

“Chúng tôi không phải sợ bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi là EU, chúng tôi là một trong những lục địa kinh tế hùng mạnh nhất”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Động đất kinh hoàng tại Maroc, khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G-20

Tin mới lên