Thế giới tuần qua: Ngã ngũ bầu cử giữa kỳ Mỹ, Nga phủ nhận tấn công Ba Lan
Hạnh Nguyễn -
19/11/2022 14:28 (GMT+7)
(VNF) - Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ đã có kết quả sơ bộ; Nga từ chối leo thang căng thẳng với NATO; dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần vừa qua.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Hạ viện chính thức về tay đảng Cộng hòa
Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng nới rộng khoảng cách với đảng Dân chủ và giành đủ 218/435 ghế, ngưỡng đa số tối thiểu, để nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào sáng 16/11 (theo giờ Việt Nam).
Việc đảng Cộng hoà giành được Hạ viện, sẽ khiến chính phủ Mỹ đối mặt 2 năm chia rẽ trong chính trường khi đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden vẫn giữ được Thượng viện.
Trong bối cảnh chia rẽ lưỡng đảng ở Mỹ hiện nay, quyền kiểm soát Hạ viện sẽ là đòn bẩy để đảng Cộng hòa gây ra nhiều cản trở với các sáng kiến lập pháp trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Ở động thái liên quan, ngày 17/11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tuyên bố sẽ từ chức sau gần 20 năm lãnh đạo Đảng Dân chủ và sau hậu quả của vụ tấn công tàn bạo nhằm vào chồng bà, ông Paul, vào tháng trước tại nhà riêng của cặp đôi ở San Francisco.
Trong tuần qua, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/11 (giờ địa phương) đã chính thức tuyên bố sẽ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 nhằm “làm cho nước Mỹ vĩ đại và vinh quang trở lại”.
Vị tỷ phú 76 tuổi cho biết ông đã đệ đơn đăng ký tranh cử lên Ủy ban Bầu cử Liên bang, một thủ tục bắt buộc đối với bất kỳ cá nhân nào muốn tham gia tranh cử tổng thống Mỹ.
Tuyên bố ra tranh cử sớm của ông Trump được cho là nhằm ngăn chặn một số ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa ra tranh cử bao gồm Thống đốc Florida, ông Ron DeSantis và cựu “phó tướng” của ông Trump, Mike Pence.
Nga phủ nhận tấn công Ba Lan
Một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống làng Przewodow ở miền đông Ba Lan, cách biên giới với Ukraine khoảng 6km hôm 15/11, khiến hai người thiệt mạng. Trước lo ngại cuộc xung đột tại Kiev có thể lan ra quốc gia thứ 3, Tổ chức các Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định họp khẩn.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau đã kêu gọi đại sứ Nga “ngay lập tức giải thích chi tiết” về vụ việc. Tuy nhiên, ngoại trừ nguồn gốc của tên lửa, không có bằng chứng cụ thể chứng minh bên nào đứng sau vụ phóng tên lửa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra thông báo rằng thông tin sơ bộ phản bác giả thiết tên lửa là của Nga. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngay sau đó cũng nói rằng rất có khả năng những tên lửa này thuộc về Ukraine.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về tình hình liên quan đến Ukraine, đại diện thường trực của Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya tuyên bố tình huống rơi tên lửa ở biên giới Ba Lan là hành động khiêu khích, kích động xung đột Nga-NATO.
Cùng với đó, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hôm 16/11, cho biết không cần thiết leo thang căng thẳng sau vụ tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan do Moscow không liên quan gì đến việc này.
Dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người
Theo dữ liệu từ Liên hợp quốc, dân số thế giới đã chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11. Cột mốc này đạt được chỉ 11 năm sau khi dân số loài người chạm ngưỡng 7 tỷ.
Tổng số người trên trái đất đã tăng từ 2 tỷ năm 1927 lên 6 tỷ vào năm 1998. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu ban đầu rằng sự gia tăng này đang chậm lại. Mức tăng dân số hàng năm hiện đang ở mức chậm nhất kể từ năm 1950.
Mặc dù chỉ sau khoảng 11 năm dân số thế giới đã tăng thêm một tỷ người, nhưng sẽ mất thêm 15 năm nữa để đạt được cột mốc tiếp theo, theo các dự đoán của Liên hợp quốc.
Liên hợp quốc dự báo rằng phần lớn sự gia tăng dân số trong tương lai của thế giới sẽ tập trung ở các quốc gia có thu nhập thấp, chẳng hạn như Ấn Độ, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Pakistan, Ethiopia, Tanzania, Uganda và Indonesia.
Đối mặt với vấn đề bùng nổ dân số, thế giới cần nhiều hơn năng lượng tái tạo khi các công nghệ này là lời giải bền vững và kinh tế hơn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 80% sản lượng năng lượng. Khi dân số tăng lên và các nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng tăng lên.
Loạt tiền tệ mất giá mạnh
Thị trường ngoại hối đã trải qua một giai đoạn khó khăn vào năm 2022. Ở một số quốc gia, sự kết hợp giữa áp lực địa chính trị và chính sách của ngân hàng trung ương đã đẩy các loại tiền tệ vào “vòng xoáy tử thần”.
Trong bối cảnh vô số cú sốc địa chính trị và kinh tế vĩ mô đè nặng lên thị trường, đồng USD đã trở thành “hầm trú ẩn an toàn” truyền thống cho các nhà đầu tư.
Trong danh sách các loại tiền tệ hoạt động kém nhất trong năm của giáo sư kinh tế học ứng dụng Steve Hanke tại Đại học Johns Hopkins, đồng cedi (GHS) của Ghana ở gần đầu bảng với mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD vào đầu tuần này là 1 USD = 14,6 GHS.
Đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách là đồng peso Cuba (CUP), giảm 56,36% so với đồng USD, chỉ sau đồng đô la Zimbabwe (ZWD), đã mất giá tới 76,74% so với đồng USD kể từ tháng 1/2022.
Đồng bảng Ai Cập (EGP) trong tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng bạc xanh, ở quanh ngưỡng 1 USD = 24,5 EGP vào ngày 15/11. Mức trượt giá mới khiến EGP lọt vào danh sách 10 loại tiền tệ hoạt động kém nhất năm 2022 của giáo sư Hanke.
Một số loại tiền tệ khác được đề cập trong danh sách của giáo sư Steve bao gồm đồng Rupee Sri Lanka (LKR), đồng Bolivar của Venezuela (VES), đồng Leone của Sierra Leone (SLL), đồng Kyat của Myanmar (MMK), đồng Kip của Lào (LAK) và đồng Hryvnia của Ukraine (UAH), quốc gia đang xảy ra xung đột với Nga.
Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 12
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller cho rằng các dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát hạ nhiệt và kinh tế Mỹ giảm tốc có thể cho phép Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Trong năm nay, Fed đã có 6 lần tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, trong đó có 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp thiết lập tỷ giá trong tháng 12 tới, thị trường đang kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ thông qua một đợt tăng lãi suất khác với chỉ 0,5 điểm phần trăm.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller cũng cho biết, ông sẵn sàng giảm mức tăng lãi suất sớm, miễn là dữ liệu kinh tế "hợp tác".
Phát biểu của ông Waller được đưa ra sau khi các báo cáo cho thấy lạm phát hạ nhiệt trong tháng 10, với chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm nhất kể từ tháng 1/2022, mang đến hy vọng giá cả bắt đầu tăng chậm lại.
Khi đưa ra đánh giá của mình, Thống đốc Waller cho biết ông sẽ xem xét ba điểm dữ liệu chính ngoài các chỉ số lạm phát chung, bao gồm giá hàng hóa lõi, nhà ở và các dịch vụ phi nhà ở. Ông Waller nhấn mạnh đã thấy dấu hiệu đáng khích lệ ở cả ba tiêu chí này nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi thị trường.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.