- Gần đây, Trung Quốc và Mỹ có những tranh chấp căng thẳng liên quan đến vấn đề chip bán dẫn. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
TS Majo George: Theo tôi được biết, Mỹ đã công bố vào ngày 17 tháng 1 năm 2023 rằng họ sẽ loại bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với chip, cho phép các công ty của nước này bán chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc. Đây được hiểu là một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Sau đó, Trung Quốc đã đệ đơn tranh chấp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 9 tháng 2 năm 2023, cho rằng Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO khi áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Huawei, rồi dỡ bỏ chúng mà không có đủ lý do.
Hiện chưa rõ tranh chấp này sẽ kết thúc ra sao. Thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO có thể mất nhiều năm để giải quyết và kết quả không bao giờ chắc chắn. Trung Quốc có thể thực hiện các hành động trả đũa bổ sung, chẳng hạn như áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hàng hóa của Mỹ.
Theo một số nhà phân tích, quyết định của Mỹ nhằm loại bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với chip có thể giúp giảm căng thẳng giữa hai quốc gia và thúc đẩy hợp tác kinh tế lớn hơn. Cũng có người trích dẫn quá khứ “ăn cắp” tài sản trí tuệ và các mối quan ngại về an ninh quốc gia của Trung Quốc để nêu lên những rủi ro tiềm ẩn khi xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, còn quá sớm để dự đoán tương lai của tranh chấp này và tác động đối với quan hệ Mỹ-Trung. Tình hình rất phức tạp và có nhiều khía cạnh, vì vậy bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ cần sự đàm phán và hợp tác cẩn trọng giữa hai nước.
Phản ứng của Trung Quốc đối với quyết định dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ là một diễn biến quan trọng trong cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa hai quốc gia. Tranh chấp này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai và không loại trừ khả năng cả hai bên áp dụng các biện pháp trả đũa bổ sung.
Ở góc độ khác, ngành công nghiệp bán dẫn rất cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm công nghệ, quốc phòng và chăm sóc sức khỏe. Do đó, đây sẽ là cơ hội cho các nước có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn trong tương lai.
- Gần đây, ông nhận định rằng Việt Nam đang có cơ hội phát triển chip bán dẫn. Ông có thể giải thích thêm về quan điểm này?
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tập trung vào việc mở rộng ngành công nghiệp điện tử và có cơ hội rõ rệt để làm điều đó bằng cách tham gia vào thị trường chất bán dẫn. Thị trường này đang mở rộng nhanh chóng và nhu cầu về chip tăng lên trong nhiều ngành công nghiệp. Việt Nam có tiềm năng trở thành ”ông lớn”, nhưng trước tiên cần phải vượt qua một số trở ngại để nắm bắt cơ hội.
Cụ thể hơn, cần nắm lấy cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trở thành trung tâm sản xuất chip của khu vực Đông Nam Á. Những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi phát triển ngành công nghiệp điện tử và Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ mở rộng lĩnh vực này. Để phát huy tiềm năng, Việt Nam cần tập trung phát triển chuỗi cung ứng trong nước, đào tạo lực lượng lao động lành nghề, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hợp tác với các đối tác quốc tế.
Nói về công nghiệp điện tử, Việt Nam gần đây đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này. Là quốc gia xuất khẩu điện thoại di động lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, Việt Nam đã được nhiều tập đoàn đa quốc gia lựa chọn để đặt nhà máy sản xuất và trở thành một trung tâm sản xuất điện tử quan trọng. Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp điện tử, bao gồm ưu đãi về thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang tập trung vào sản xuất ở cấp thấp và phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu. Phát triển công nghiệp bán dẫn trong nước có thể hỗ trợ giải quyết những vấn đề này bằng cách giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu và tạo ra việc làm được trả lương cao hơn.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm chip trong nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất ô tô, chăm sóc sức khỏe và trí tuệ nhân tạo, đã thúc đẩy mở rộng nhanh chóng thị trường chất bán dẫn toàn cầu. Đến năm 2030, thị trường được dự đoán sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD, trong đó châu Á chiếm phần lớn mức tăng trưởng này.
Việt Nam sở hữu một số lợi thế có thể tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường bán dẫn, như dân số đông và trẻ, số lượng nhân công lành nghề trong ngành điện tử ngày càng nhiều. Chi phí lao động thấp và vị trí chiến lược ở Đông Nam Á góp phần tạo nên môi trường kinh doanh thân thiện của Việt Nam.
- Vậy Việt Nam sẽ cần làm gì để đón lấy cơ hội này?
Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần giải quyết một số thách thức. Cụ thể:
Thứ nhất, phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Hiện nay, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu các linh kiện chính, chẳng hạn như tấm nền silicon (wafer)[DP1] và thiết bị sản xuất chip. Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, Việt Nam phải thiết lập chuỗi cung ứng có khả năng hỗ trợ sản xuất chip, bao gồm cả việc sản xuất các linh kiện và thiết bị chính trong nước.
Thứ hai, phải tăng cường đào tạo đội ngũ nhân công lành nghề có kiến thức về thiết kế, sản xuất và thử nghiệm chip. Điều này đòi hỏi sự đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo, cũng như ứng dụng các lý thuyết vào thực tiễn.
Thứ ba, cần tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn các công ty bán dẫn bằng cách đưa ra các ưu đãi về thuế, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Thứ tư, phải đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển) để phát triển các công nghệ và sản phẩm mới, duy trì tính cạnh tranh trên thị trường bán dẫn. Điều này sẽ đòi hỏi sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cũng như sự hỗ trợ của chính phủ.
Thứ năm, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc hợp tác với các đối tác quốc tế, chẳng hạn như các tổ chức nghiên cứu như Đại học RMIT, các nhà sản xuất chip và nhà cung cấp thiết bị trong ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này sẽ góp phần nâng cao chuyên môn và năng lực ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như sự hiện diện toàn cầu của Việt Nam.
Việt Nam đang sở hữu cơ hội có một không hai để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và tham gia vào thị trường bán dẫn toàn cầu. Để đạt được điều này, Việt Nam phải giải quyết một số trở ngại như: thiết lập chuỗi cung ứng nội địa; đào tạo lực lượng lao động lành nghề; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tài trợ cho nghiên cứu và phát triển và hợp tác với các đối tác quốc tế.
Với các chính sách và đầu tư đúng đắn, Việt Nam có tiềm năng trở thành ”ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn và thúc đẩy sự mở rộng lâu dài của lĩnh vực điện tử.
- Xin cám ơn ông về buổi trao đổi này.