Tài chính

Thị trường sữa bão hòa, Vinamilk tìm cách 'kích' tăng trưởng

(VNF) - Tầm nhìn vài năm tới, các sản phẩm mới ra mắt năm 2018 - 2019 cùng tiềm năng từ thị trường Trung Quốc và thương vụ thâu tóm Sữa Mộc Châu được kỳ vọng sẽ là động lực "thúc" Vinamilk tăng trưởng cao hơn so với mặt bằng hiện nay. Dù vậy trong ngắn hạn, giá sữa bột tăng có thể sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận của Vinamilk không chỉ trong quý IV/2019 mà còn trong năm 2020.

Thị trường sữa bão hòa, Vinamilk tìm cách 'kích' tăng trưởng

Thị trường sữa bão hòa, Vinamilk tìm cách 'kích' tăng trưởng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho thấy "nữ hoàng" ngành sữa này tiếp tục củng cố vị trí số 1 tại thị trường nội địa, trong khi đó, xuất khẩu cũng có tín hiệu hồi phục.

Cụ thể, 9 tháng năm nay, doanh thu thuần đạt 42.079 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.380 tỷ đồng, tăng 5,7%.

Thị phần tiếp tục được mở rộng, với mức tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,3% so với thời điểm đầu năm, trong đó sữa chua tăng hơn 2%, sữa nước tăng 1% và sữa đặc không thay đổi. Qua đó, doanh thu nội địa cũng tăng trưởng 5,8%.

Tuy nhiên, theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong báo cáo cập nhật mới đây về Vinamilk, nếu loại trừ doanh thu mảng Đường thì doanh thu trong nước của Vinamilk tăng trưởng thực tế cao hơn.

Xuất khẩu có tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng doanh thu 8,2%, chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Iraq. Doanh thu của các công ty con ở nước ngoài cũng tăng trưởng khả quan 12,4%, đặc biệt là Angkor Milk với mức tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên lợi nhuận gộp vẫn mở rộng 0,6% trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng, một phần do Vinamilk đã tăng giá bán một số sản phẩm kể từ đầu năm, phần khác do cơ cấu doanh thu đang nghiêng về các dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn như sữa nước, sữa chua. Ngoài ra, Vinamilk cũng tiết kiệm được chi phí đường và dầu bơ.

BVSC cho biết thêm, Vinamilk đang nỗ lực đa dạng hoá và cao cấp hoá sản phẩm. Trong 9 tháng năm 2019, "ông lớn" này đã đưa ra thị trường khoảng 17 sản phẩm mới, trong đó có các sản phẩm sữa bột và bột ăn dặm cao cấp, sữa chua và sữa hạt, các loại nước uống có vị Chocolate, kem lạnh, nước trái cây, v.v.

Với thị trường Trung Quốc, Vinamilk giữ quan điểm thận trọng.

"Do danh mục sản phẩm khá đa dạng nên cần có thêm thời gian để Trung Quốc cấp đẩy đủ mã số sản phẩm xuất khẩu, kỳ vọng sẽ hoàn thành trong quý IV/2019. Trong thời gian đó, Vinamilk vẫn đang xây dựng hệ thống phân phối tại Trung Quốc (hiện đang có 3 nhà phân phối). Tuy nhiên, Vinamilk đánh giá thị trường này cạnh tranh rất khốc liệt ở phân khúc sữa nước và sữa bột nên tạm thời sẽ tập trung vào sữa chua và sữa đặc", báo cáo của BVSC cho hay.

Về nguyên liệu đầu vào, Lào dự kiến sẽ là một trong những vùng nguyên liệu sữa tươi chiến lược trong tương lai. Hiện giai đoạn 1 của dự án đang được phát triển trên 4.500 ha (1.000 ha sắp được cấp thêm), trong đó có 4.000 bò organic và 4.000 bò HF. Vinamilk cho rằng vùng nguyên liệu này có thể phát triển lên đến hơn 100.000 con.

Mặc dù triển vọng tương đối thuận lợi đối với nguyên liệu sữa tươi nhưng với sữa bột, tình hình có vẻ kém khả quan hơn.

Theo đánh giá của BVSC, giá sữa bột tăng có thể sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận của Vinamilk trong quý IV/2019 và năm 2020.

Cụ thể, theo báo cáo của Rabobank, thời tiết tại New Zealand vài tháng gần đây vẫn chưa có sự cải thiện rõ nét ảnh hưởng đến sản lượng sữa. "Chúng tôi cũng nhận thấy giá sữa bột (WMP) đã tăng gần 10% kể từ tháng 7 và hơn 17% tính từ đầu năm. Các hợp đồng mua WMP kỳ hạn từ tháng 12/2019 đến tháng 4/2020 đều đang dao động quanh mức 3.250USD/MT", BVSC lưu ý.

Công ty chứng khoán này dự báo quý IV/2019, Vinamilk sẽ đạt doanh thu thuần 14.179 tỷ đồng (tăng trưởng 9%) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.466 tỷ đồng (tăng trưởng 8%).

Như vậy cả năm nay, dự báo Vinamilk đạt 56.258 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng trưởng 7%) và lợi nhuận sau thuế 10.846 tỷ đồng (tăng 6%).

BVSC cho rằng lợi nhuận năm 2020 của Vinamilk sẽ tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ giá đầu vào. Cụ thể, doanh thu thuần sẽ đạt 60.250 tỷ đồng (tăng trưởng 7%) và lợi nhuận sau thuế đạt 11.400 tỷ đồng (tăng trưởng 5%).

Vinamilk đang nỗ lực đa dạng hoá và cao cấp hoá sản phẩm

Có phần lạc quan hơn, trong báo cáo đánh giá về Vinamilk công bố gần đây, Công ty Chứng khoán SSI dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Vinamilk đạt 56.050 tỷ đồng (tăng trưởng 6,6%) và 10.850 tỷ đồng (tăng trưởng 6,3%).

Năm 2020, SSI ước tính Vinamilk đạt tăng trưởng 8,1% doanh thu và 6,9% lợi nhuận sau thuế.

Ở góc nhìn xa hơn, chuyên gia của SSI nhấn mạnh mặc dù mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam đạt gần 19 lít vào năm 2018, nhưng con số này vẫn thấp hơn rõ rệt so với các nước châu Á khác, như Trung Quốc (22,5 lít), Malaysia (27 lít), Thái Lan (32 lít), Đài Loan (51 lít), Ấn Độ (59 lít), Hàn Quốc (66 lít) và Nhật Bản (69 lít).

"Vinamilk với vai trò là công ty dẫn đầu thị trường trong nước tại Việt Nam, được hưởng lợi từ việc tăng tiêu thụ sữa trong dài hạn, cùng với thu nhập khả dụng cao hơn và tăng tiêu thụ các sản phẩm giá trị gia tăng như phô mai và bơ", SSI nêu quan điểm.

Trong vài năm tới, công ty chứng khoán này kỳ vọng tăng trưởng của Vinamilk sẽ được thúc đẩy bởi doanh thu từ các sản phẩm mới ra mắt năm 2018-2019. Cùng với đó, thị trường Trung Quốc với tiềm năng hấp dẫn, chỉ cần nắm một thị phần nhỏ của thị trường 60 tỷ USD này cũng là rất có ý nghĩa đối với tăng trưởng lợi nhuận của Vinamilk.

Ngoài ra, thương vụ thâu tóm Sữa Mộc Châu hỗ trợ tăng trưởng dài hạn cho "nữ hoàng" ngành sữa. Được biết, Vinamilk hiện đang nắm giữ 41% cổ phần của GTN (công ty mẹ của Sữa Mộc Châu) với tổng chi phí đầu tư là 1.478 tỷ đồng, tương đương với giá mua 14.600 đồng/cổ phiếu và công ty có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu để nắm quyền điều hành. 

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, SSI cũng nhận thấy một số thách thức mang tính xu hướng mà "ông lớn" này cần vượt qua.

Thứ nhất là thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng. Một số xu hướng mới đã xuất hiện trong những năm gần đây, như xu
hướng ăn uống ở ngoài và tiêu thụ sữa hạt.

Thứ hai là những thay đổi trong thị trường bán lẻ. Doanh thu qua các kênh thương mại hiện đại đã tăng lên nhanh chóng, nhưng hiện tại chỉ chiếm có 10% tổng doanh thu của Vinamilk. Trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hoặc thông qua thương mại điện tử, các sản phẩm của Vinamilk cạnh tranh với một lượng lớn các thương hiệu khác, trong khi trong kênh thương mại truyền thống, Vinamilk đang chiếm ưu thế.

"Do đó, để thúc đẩy doanh số, Vinamilk có thể phải tăng chi phí bán hàng để thúc đẩy sản phẩm sang các kênh khác để tăng thị phần trong tương lai", SSI nhận định.

Tin mới lên