Thổ Nhĩ Kỳ: Yêu cầu dỡ lệnh trừng phạt của Nga là ‘chính đáng’
Mộc An -
08/06/2022 21:13 (GMT+7)
(VNF) - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng việc Nga yêu cầu chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với nước này để tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc là "chính đáng".
Ngày 8/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong đó hai bên thảo luận về công tác chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao tiếp theo giữa Moscow và Ankara, cũng như hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Phát biểu tại buổi gặp, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho rằng kế hoạch của Liên hợp quốc nhằm thiết lập hành lang nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine là hợp lý, đồng thời nhấn mạnh cần tiến hành thêm đàm phán với tất cả các bên để đảm bảo sự an toàn cho tàu thuyền đi lại.
"Để ngũ cốc Ukraine đến được với thị trường quốc tế, việc loại bỏ những trở ngại cản trở xuất khẩu của Nga cũng là một nhu cầu chính đáng", ông Cavusoglu nhấn mạnh thêm.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov cam kết Nga sẵn sàng cùng với Thổ Nhĩ Kỹ đảm bảo an toàn cho các tàu rời cảng Ukraine.
Trước đó, Nga tuyên bố sẵn sàng tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và đóng góp nhiều hơn để ngăn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt ngăn Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón cho các đối tác.
Ở động thái liên quan, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasily Bodnar ngày 7/6 cho biết Ukraine sẽ nối lại xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nếu nước này được viện trợ thêm vũ khí và "nhận được sự hỗ trợ từ hải quân của các nước thứ ba”.
Theo số liệu của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc nhiều thứ tư thế giới trong mùa vụ 2020-2021.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trung bình mỗi tháng Ukraine xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn ngũ cốc. Trong đó, 90% ngũ cốc Ukraine được vận chuyển qua các cảng Ukraine trên Biển Đen.
Tuy nhiên, tuyến đường này giờ đây đã bị phong tỏa, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt là tại các khu vực nghèo khó như châu Phi.
Sau khi các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa, Ukraine buộc phải sử dụng đường sắt như tuyến vận tải chính để xuất khẩu ngũ cốc.
Do Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lúa mì lớn, chiếm khoảng 30% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, nên giá đã tăng đáng kể kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự và các lệnh trừng phạt tiếp theo áp đặt lên Moscow.
Ngày 22/5, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi giải quyết tác động từ cuộc khủng hoảng lương thực, trong đó vận động các quốc gia duy trì chuỗi cung ứng, hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng và chuẩn bị cho các tình huống mất an ninh lương thực toàn cầu.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone