Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, quan trọng là "phải hành động chứ không chỉ nói suông mãi như vậy". "Chủ trương đẩy nhanh cổ phần hóa hai doanh nghiệp này đã có từ lâu rồi mà mãi không triển khai", ông Hải nhấn mạnh.
Nói thoái vốn là phải thoái
Trước đó, ngày 12.7, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco ) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội ( Habeco ) hiện đang xây dựng phương án thoái vốn nhà nước.
Việc thoái vốn sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ thẩm định phương án thoái vốn nhà nước và triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại 2 Tổng công ty nêu trên.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: "Việc thoái vốn là phải làm ngay, phải có phương án trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định. Phương án thoái vốn Nhà nước chỉ giữ lại dưới 50% hay phương án thoái vốn hết thì cũng phải làm ngay, chứ chỉ nói không thì chẳng còn ai tin vì cả hai doanh nghiệp Habeco và Sabeco đã cổ phần hóa 8 năm nay rồi", ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải cũng cho rằng, ngoài ra, phải đẩy mạnh niêm yết để thúc đẩy sự lành mạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh tại Sabeco và Habeco.
Cũng theo ông Hải, tại Hội nghị của ngành công thương ngày 12.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Bộ Công Thương đang quản lý bộ máy rất cồng kềnh, cần phải sắp xếp lại". Do đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương nên sớm tiến hành bàn giao 2 doanh nghiệp Sabeco và Habeco cho SCIC để có chuyên môn quản lý tốt hơn.
Theo ông Hải, dựa trên tính toán của các nhà kinh tế, nếu bán hết cổ phần của nhà nước tại 2 doanh nghiệp Habeco và Sabeco thì có thể thu về khoảng 5 tỷ USD.Với khoản tiền này, Nhà nước sẽ xây dựng được 2 đường tàu điện ngầm cho Thủ đô Hà Nội. Trong điều kiện nhà nước đang gặp khó khăn về vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản, mà lại cứ dùng dằng mãi không chịu thoái vốn.
Không thể so sánh Sabeco hay Habeco với Vinamilk
Trước đó, trả lời báo chí, ông Phan Đăng Tuất nguyên Chủ tịch HĐQT của Sabeco đã phản đối lại quan điểm của VAFI về việc "cứ ép Sabeco và Habeco phải thoái vốn và lên sàn" và ông Tuất cho rằng đề xuất của VAFI rất "bậy".
Nhận xét về quan điểm của ông Tuất, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, chủ trương của Chính phủ đã rất rõ ràng là phải cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp của Nhà nước nên kiến nghị của VAFI là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở", ông Hải nói.
Nói về khoản thuế đóng góp của Sabeco, ông Phan Đăng Tuất dẫn chứng cho rằng, "Năm 2015 Bia Sài Gòn nộp ngân sách Nhà nước tổng cộng 17.000 tỷ đồng trên tổng doanh thu khoảng 30.000 tỷ đồng với vốn theo nguyên giá là hơn 6.200 tỷ đồng. Kết quả này là rất tốt. Trong khi Vinamilk nộp ngân sách Nhà nước khoảng 7.500 tỷ đồng, doanh thu 40.000 tỷ đồng và vốn là khoảng 12.000 tỷ đồng". Thực tế, Sabeco lợi nhuận gấp 3 Vinamilk nếu không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt".
"Phản pháo" lại vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, đó là cách so sánh không hợp lý. Ông Hải cho biết, cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk. Thế nhưng đến hiện tại, lợi nhuận Vinamilk đã cao gần gấp 3 lần Sabeco.
Sau 8 năm cổ phần hóa, Sabeco và Habeco tăng trưởng rất chậm trong điều kiện có nhiều tiềm năng, thậm chí đang bị một số đối thủ ngoại "thâu tóm". "Về khoản đóng góp thuế thì Sabeco hay Habeco không thể so sánh với Vinamilk được. Vinamilk họ kinh doanh khoảng hơn 1 triệu sản phẩm khác nhau, mỗi sản phẩm họ chỉ có lợi nhuận rất thấp nhưng cộng lại mới có khoản lợi nhuận khổng lồ như hiện nay. Họ bán sản phẩm tiêu dùng, trong đó có cả cho người già, trẻ nhỏ còn Habeco và Sabeco kinh doanh bia, rượu là bán mặt hàng xa xỉ, bán cho những người có nhiều tiền thì lợi nhuận trên 1 sản phẩm khác hẳn, chuyện phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng khác, không thể so sánh như ông Tuất được", ông Hải nói.
Về quan điểm của ông Phan Đăng Tuất lo lắng khi "đưa lên sàn rồi bán nguyên lô không biết có ai mua, và nhà đầu tư lớn sẵn sàng móc tay với nhau đặt giá thấp hơn mà vẫn mua được. Và khi bán xong không biết ai là người mua được thì liệu sau thương hiệu có giữ được không? Hay như cổ phiếu mua đi bán lại ai kiểm soát, thương hiệu còn không hay một nhà đầu tư nước ngoài mua rồi xoá sổ thương hiệu bởi người ta muốn mua thị trường chứ không phải mua thương hiệu".
Bình luận về quan điểm này của ông Tuất, ông Hải cho rằng, cách nói như ông Tuất là rất "hồ đồ", không hiểu gì về kinh tế thị trường. "Trên thế giới, mỗi quốc gia muốn phát triển phải có thị trường chứng khoán. Nếu bán đấu giá Sabeco và Habec ở dạng niêm yết sẽ chắc chắn đạt được giá cao hơn", ông Hải khẳng định.
Ông Hải cũng cho rằng, giả sử nhà đầu tư nước ngoài họ vào mua Sabeco và Habeco thì là họ mua thương hiệu chứ nếu mua xong không sản xuất bia mang thương hiệu bia Sài Gòn, bia Hà Nội mà lại đi sản xuất bia khác thì chẳng khác gì nhà đầu tư đó "tự sát". Vì người tiêu dùng đã quen thương hiệu đó rồi, ông Tuất nói mua xong lại xóa sổ thương hiệu đó là một cách nói vô lý, chẳng doanh nghiệp nào lại bỏ tiền ra rồi tìm cách tự sát như thế cả.