Thoát 'án tử', Gỗ Trường Thành lãi ròng 31 tỷ đồng trong năm 2017

Vĩnh Chi - 02/02/2018 10:04 (GMT+7)

(VNF) – 2017 có thể xem là năm đáng nhớ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) khi vừa thành công trong việc nâng vốn điều lệ để thoát án hủy niêm yết vừa kết thúc năm với kết quả lãi ròng 31,2 tỷ đồng – mức lãi đáng kể so với khoản lỗ ròng nghìn tỷ của năm trước.

VNF
Gỗ Trường Thành lãi ròng 31 tỷ đồng năm 2017

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần quý IV/2017 của TTF đạt 606,7 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 124,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 26,7 tỷ đồng năm ngoái.

Quý IV, doanh thu tài chính đạt 4,7 tỷ đồng, tăng 44%. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 7,3 lần (còn 8,8 tỷ đồng), chi phí bán hàng giảm 2,4 lần (còn 2,8 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 5,6% (xuống 31,6 tỷ đồng). Điều này dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 86 tỷ đồng.

Dù phải chịu thêm khoản lỗ khác 63,6 tỷ đồng (do không được công nhận thu nhập từ nợ gốc và lãi vay được xóa) nhưng chốt lại quý IV, TTF vẫn có lãi trước thuế 22,2 tỷ đồng – một mức tăng đáng kể so với khoản lỗ 145 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của TTF đạt 1.363 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần; lợi nhuận gộp đạt 300,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 966 tỷ đồng năm trước.

Trong năm TTF ghi nhận 9,4 tỷ đồng doanh thu tài chính (giảm 3 lần), nhưng bù lại chi phí tài chính cũng giảm khá nhiều, từ 274 tỷ đồng xuống 165 tỷ đồng (tương đương giảm 40%). Trong khi đó, chi phí bán hàng cũng giảm hơn 2 lần (xuống còn 12,6 tỷ đồng) và Công ty ghi nhận 2,2 tỷ đồng phần lãi trong các công ty liên doanh liên kết.

Cùng với 7,5 tỷ đồng lợi nhuận khác, TTF đã khép lại năm 2017 với lãi ròng đạt 31,2 tỷ đồng – một mức tăng vượt bậc so với khoản lỗ 1.271 tỷ đồng của năm trước.

Tại ngày 31/12/2017, tổng tài sản của TTF là 3.682 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn là 2.856 tỷ đồng (tăng 5%); tài sản dài hạn là 826 tỷ đồng (giảm 5,5%).

Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm tới 93% (hàng tồn kho là 1.636 tỷ đồng, các khoản phải thu là 1.021 tỷ đồng).

Các khoản phải thu ngắn hạn của TTF năm qua đã tăng thêm 265,5 tỷ đồng, chủ yếu do sự xuất hiện của khoản "phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng" (228,6 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khoản "phải thu ngắn hạn của khách hàng" vẫn duy trì ở mức cao, 749 tỷ đồng.

Đáng chú ý, TTF có khoản nợ xấu lên đến 193 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu từ Công ty TNHH Lâm nghiệp Hoàng Nam (48,5 tỷ đồng), Công ty TNHH TM & DV Lâm nghiệp Minh Hoàng (17,2 tỷ đồng), Công ty TNHH thương mại và xây dựng DLC (21,6 tỷ đồng)… được xếp vào loại có khả năng thu hồi thấp.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của TTF là 2.831 tỷ đồng, chiếm 77% tổng tài sản. Năm qua, nợ phải trả của TTF đã giảm 18% so với đầu kỳ. Nợ ngắn hạn chiếm 81% tổng nợ phải trả và giảm 32,6%.

Đáng chú ý, trong khi nợ vay ngắn hạn giảm rất mạnh từ 2.637 tỷ đồng xuống còn 396 tỷ đồng (giảm 6,6 lần) thì khoản "người mua trả tiền trước ngắn hạn" lại tăng phi mã từ 181 tỷ đồng lên 1.221 tỷ đồng (chủ yếu là của Tập đoàn Vingroup – 1.162 tỷ đồng)

Nợ dài hạn năm qua cũng tăng mạnh từ 29,4 tỷ đồng lên 555,6 tỷ đồng, chủ yếu do sự xuất hiện của 500 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Đây là khoản mà TTF đã vay của ông Bùi Hồng Minh.

Vốn chủ sở hữu của TTF hiện ở mức 851 tỷ đồng, tăng gấp 6,4 lần so với đầu kỳ. Lỗ lũy kế có giảm nhưng vẫn neo ở mức rất cao, 1.386 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác