Thời Covid-19, doanh nghiệp bán lẻ chuộng rót tiền vào kênh online để bán hàng Tết Tân Sửu

Thảo Lê - 15/12/2020 16:32 (GMT+7)

(VNF) - Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tết năm nay, khá nhiều đơn vị không tổ chức hoạt động bán hàng tập trung như phiên chợ Tết hay hội chợ xuân… mà chuyển sang đầu tư cho các hình thức bán lẻ trực tuyến.

VNF
Doanh nghiệp bán lẻ rót tiền vào kênh online để bán hàng Tết Tân Sửu (ảnh minh họa)

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, mặc dù trải qua một năm đầy biến động bởi dịch Covid-19 nhưng Tết vẫn là dịp đặc biệt, ý định chi tiêu cho Tết này của người tiêu dùng Việt Nam có phần cao hơn trong nhóm có thu nhập cao (hơn 23,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình), giữ nguyên ở nhóm thu nhập trung bình (hơn 7,5-23,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình) và giảm khoảng 15% trong nhóm thu nhập thấp (7,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình trở xuống.

Công ty này cũng nhận định do việc du lịch nước ngoài gặp khó khăn nên năm nay có khoảng 50% gia đình về quê ăn Tết theo truyền thống. Đây là cơ hội gia tăng mua sắm tiêu dùng cho các sản phẩm ăn uống (bánh kẹo, trái cây sấy khô và các loại hạt). Đặc biệt, việc tặng quà Tết vẫn được người dân duy trì, bất chấp dịch Covid-19.

Trên thị trường phân phối, bán lẻ trực tuyến đang lên ngôi. Dự kiến với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử về doanh thu trong quý IV/2020 là 20%, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt nam ước đạt 12 tỷ USD (khoảng 276 nghìn tỷ đồng) trong năm 2020, theo Bộ Công Thương.

Theo số liệu từ Google và Temasek, tổng giá trị thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á ước đạt 153 tỷ USD vào năm 2025 sau 4 năm tăng trưởng với tốc độ thần tốc ở mức 62%. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đã trở thành thị trường lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau Indonesia.

Để đạt được những con số này là cả một cuộc chiến khốc liệt giữa các sàn thương mại điện tử để giành thị phần trong nước lẫn quốc tế qua hàng loạt khoản đầu tư khổng lồ vào các hoạt động truyền thông và khuyến mãi, đặc biệt là vào các dịp lễ khuyến mãi lớn cuối năm và ngay sau đó là lễ Tết truyền thống đi cùng với đại dịch Covid-19. Điều này đã có tác không nhỏ tới hành vi mua sắm và tiêu dùng của khách hàng. Hiện nay tại Việt Nam, bốn cái tên nổi bật nhất là Shopee, Tiki, Lazada và Sendo.

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất hàng tiêu dùng, phương thức bán hàng online được nhiều công ty thực hiện trong dịp Tết năm nay do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Như tại Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN), doanh nghiệp này cũng chuẩn bị nhiều hơn các mặt hàng để cung cấp cho thị trường, đồng thời mở thêm một số kênh bán hàng online để hạn chế việc tập trung đông người mua sắm tết. Hàng hóa được giao trong vòng 2 giờ sau khi đặt mua. Công ty cũng đã hoàn tất nâng cấp và đổi mới toàn bộ hệ thống bao bì sản phẩm theo hệ nhận diện riêng cho từng phân khúc khách hàng gắn liền với thương hiệu Vissan, 3 Bông Mai và Mai Vàng. Vissan còn mở rộng thêm các kênh bán hàng trực tuyến như: đặt hàng qua hotline 19001960, fanpage facebook, sàn thương mại điện tử SENDO và NOW.

Công ty TNHH Tân Minh Quang (Bidrico) chuyên sản xuất các loại nước giải khát đóng chai cũng lên phương án để triển khai khâu vận chuyển và giao nhận cho bán hàng online khá chi tiết.

Trong khi đó, Công ty Sài Gòn Food đã sẵn sàng với hơn 2.700 tấn thành phẩm cho mùa Tết Tân Sửu, dự báo tăng trưởng hơn 30% so với các tháng bình thường và tăng 25 % so với cùng kỳ Tết Canh Tý. Đơn vị này cam kết không tăng giá sản phẩm, thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giới thiệu sản phẩm trên các hệ thống online giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng.

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM - Saigon Co.op - đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể phục vụ trọn 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

Theo ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op, doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển phân phối hàng hóa kịp thời để kịp thời ứng phó với chuyển biến của dịch bệnh nhằm đảm bảo hàng thiết yếu giá tốt luôn đầy đủ, không bị đứt hàng. Trong đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers... và kênh bán hàng online cũng được chú trọng.

Cùng chuyên mục
Tin khác